Nhà sản xuất 'Em và Trịnh' có thể bị kiện nếu không xin lỗi

19/09/2022 14:00

Trao đổi với Tiền Phong, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết việc giáo sư Michiko ủy quyền cho luật sư để yêu cầu nhà sản xuất phim "Em và Trịnh" đính chính, xin lỗi là hoàn toàn có cơ sở.

Như Tiền Phong đã thông tin, Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng - đại diện pháp lý của giáo sư Michiko Yoshii - cho biết bà đã gửi công văn yêu cầu nhà sản xuất phim Em và Trịnh công khai xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh của giáo sư người Nhật Bản khi chưa xin phép.

Đây không phải lần đầu NSX Em và Trịnh vướng vào rắc rối vì nhắc đến nguyên mẫu nhân vật ngoài đời thực trong phim khi chưa nhận được sự đồng ý.

em111-401.jpeg
Hình tượng Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong Em và Trịnh. Ảnh: NSX.

Hàng loạt rắc rối của bộ phim Em và Trịnh

Bộ phim Em và Trịnh công chiếu ngày 17/6. Từ ngày công bố dự án đến lúc được chiếu tại rạp, bộ phim nhận nhiều sự quan tâm của khán giả, người yêu điện ảnh lẫn âm nhạc. Bởi, đây là tác phẩm được thực hiện dựa trên hình tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ngay từ khi ra mắt, bộ phim nhận nhiều ý kiến bàn tán. Điều công chúng đặc biệt quan tâm là những người từng quen biết cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn liên tục lên tiếng khi "vô tình" xuất hiện trong Em và Trịnh.

Ngày 15/9, đại diện của Michiko Yoshii - giáo sư được mượn hình ảnh thể hiện trong Em và Trịnh - gửi công văn yêu cầu nhà sản xuất Em và Trịnh xin lỗi công khai.

"Như đã biết, bộ phim Em và Trịnh công khai trình chiếu từ ngày 17/6 tiết lộ một số thông tin liên quan đến đời sống riêng tư và bí mật cá nhân của nữ giáo sư Michiko và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là hành vi không chỉ xâm phạm đến quyền dân sự của giáo sư Michiko mà còn xâm phạm đến bí mật cá nhân, quyền thân nhân của cố nhạc sĩ. Bởi các lẽ ấy, chúng tôi yêu cầu nhà sản xuất phát hành thông cáo báo chí để công khai xin lỗi nữ giáo sư", công văn nêu rõ.

daoanh-1860.jpeg
Phía giáo sư Michiko Yoshii cho biết ê-kíp phim Em và Trịnh chưa từng liên hệ bà để xin phép khai thác thông tin, hình ảnh. Ảnh: NSX.

Theo lời luật sư, đoàn làm phim và nhà sản xuất phim Em và Trịnh chưa bao giờ liên lạc với giáo sư Michiko để xin phép. Bà cũng chưa đồng ý để nhà sản xuất sử dụng thông tin riêng tư của mình để làm phim.

Nhà sản xuất bộ phim Em và Trịnh nhiều lần bị phản ánh vì nhắc đến tên người khác trong bộ phim. Trước đó, Khánh Ly tuyên bố "không bao giờ xem phim" vì ê-kíp phim Em và Trịnh không tôn trọng mình. Đồng thời, nữ danh ca nói phía đoàn làm phim đã liên hệ bà để được thực hiện một số cảnh nhưng bà không đồng ý, cuối cùng những phân đoạn này vẫn xuất hiện trong phim.

Danh ca Thanh Thúy cũng là nhân vật được đề cập đến trong phim. Điều đáng nói, bà phủ nhận việc mặc sườn xám và đi trong ngõ tối cùng ông Trịnh Công Sơn.

Thời điểm bị Khánh Ly phản ứng gay gắt, phía nhà sản xuất Em và Trịnh cho rằng họ không làm sai điều gì. "Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim 'Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật' chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không copy y nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim", ông Lương Công Hiếu, đại diện nhà sản xuất phim Em và Trịnh nói.

Nhà sản xuất Em và Trịnh bị yêu cầu xin lỗi là có căn cứ

Giữa những ồn ào xung quanh, Tiền Phong đã liên hệ Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Hà Nội - để nhìn nhận vụ việc dưới góc độ luật pháp.

Về việc Giáo sư Michiko tuyên bố sẽ kiện nhà sản xuất Em và Trịnh nếu không xin lỗi đúng hạn, Luật sư Đặng Văn Cường nói: "Pháp luật Việt Nam khuyến khích hoạt động sáng tạo nghệ thuật, luôn tạo điều kiện cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được sáng tác, biểu diễn, sản xuất tạo ra các tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, pháp luật cũng ghi nhận bảo đảm và bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh. Việc sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của người khác phải được người có hình ảnh được sử dụng cho phép, đặc biệt là việc sử dụng hình ảnh của người khác vào hoạt động kinh doanh".

Theo luật sư, việc sử dụng thông tin cá nhân và hình ảnh của các nghệ sĩ để đưa vào phim, kịch hoặc các tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác mà không xin phép là hành vi xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Người bị xâm phạm đến các quyền nhân thân, quyền hình ảnh có quyền yêu cầu gỡ bỏ, cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

"Nội dung quy định về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, quyền hình ảnh này được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Điều 32 bộ luật dân sự 2015 đang áp dụng hiện nay", luật sư nói.

Nhà sản xuất Em và Trịnh từng đáp trả Khánh Ly là họ không làm gì sai. Nhưng khi đặt vấn đề nếu nữ danh ca đâm đơn kiện, phía ê-kíp phim phải vướng vào một số rắc rối.

a1-khanh-ly-7459-767.jpeg
Bộ phim Em và Trịnh gặp nhiều ý kiến, phản ứng từ nhân vật đời thực, trong đó có Khánh Ly. Ảnh: NSX.

"Với những bộ phim tư liệu lịch sử hoặc phim truyện điện ảnh có nhân vật sử dụng tên người thật, thông tin nhân thân của người đương thời hoặc các nhân vật trong lịch sử có nội dung không đúng sự thật có thể ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ và người thân họ. Với việc sáng tác những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân phải xin phép theo quy định pháp luật", luật sư nói.

Để làm rõ điều này, luật sư viện dẫn Điều 32 Bộ luật Dân sự về việc cá nhân có quyền đối với hình ảnh của chính mình. "Như vậy, mọi cá nhân đều có quyền tự do về hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý, nếu dùng vào mục đích thương mại phải trả thù lao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc sử dụng hình ảnh thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, điều 32 mới cho thấy tuy không xin phép nhưng cũng không được sử dụng nhằm mục đích làm tổn hại đến danh dự, uy tín người khác", luật sư nói.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc giáo sư Michiko ủy quyền cho luật sư để yêu cầu nhà sản xuất phim Em và Trịnh đính chính, xin lỗi hoàn toàn có cơ sở.

"Việc người bị sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh yêu cầu đơn vị sản xuất phải cải chính xin lỗi, thậm chí có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc trả thù lao theo quy định của pháp luật là có căn cứ. Nếu trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết thì người bị sử dụng hình ảnh phải đưa ra yếu tố bị xâm phạm mới có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Người thu thập, sử dụng trái phép thông tin hình ảnh của người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm phạm", Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà sản xuất 'Em và Trịnh' có thể bị kiện nếu không xin lỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO