Nếu may mắn, Em và Trịnh có thể cán mốc 100 tỉ đồng khi rời rạp trong vài ngày tới. Con số thoạt nghe có vẻ không đến nỗi nào, nhưng so với kinh phí 50 tỉ chưa tính quảng bá (thường bằng một nửa đến ngang với kinh phí), thì chỉ đủ hòa vốn.
Rõ ràng đó không phải là mục tiêu của nhà sản xuất đã chi tiền “khủng” cho dự án này. Chưa kể, bộ phim còn là một cú ngã về mặt phê bình, khi nhận về nhiều chỉ trích hơn là khen ngợi. Dưới đây là 5 lí do dẫn đến kết quả tiêu cực của bộ phim Việt đầy tham vọng này.
Chiến dịch phát hành sai lầm
Ngay trước tuần phát hành, nhà sản xuất đã gây bất ngờ khi thông báo sẽ có hai phiên bản phim về Trịnh Công Sơn ra mắt. Đây là điều chưa có tiền lệ ở điện ảnh trong nước, gây tò mò cho khán giả và phần nào đó cho thấy sự tự tin của những người thực hiện.
Tuy nhiên, bản phim ngắn hơn Trịnh Công Sơn lại khiến công chúng phẫn nộ vì hóa ra chỉ là bản dựng khác của Em và Trịnh. Họ cho rằng đó là một cách “làm tiền” thô thiển và tẩy chay phim. Trịnh Công Sơn chỉ thu về được vỏn vẹn 2 tỉ doanh thu trước khi cuống cuồng bị gỡ khỏi rạp.
Ngay cả khi đó là 2 phim khác nhau, nhà sản xuất đã phạm sai lầm chí tử trong phát hành phim: Bắt khán giả phải lựa chọn. Họ bối rối không biết phải xem phim nào và cảm thấy khó chịu ngay từ khâu đặt vé. Thời gian và tiền bạc của mỗi người là có hạn và không dễ để khiến ai đó phải xem một phim hai lần. Huống gì đó chỉ là một bản dựng khác.
Lo ngại sau khi các suất chiếu sớm thể hiện kém, ê-kíp phát hành còn phạm thêm một sai lầm khác là đẩy chiếu sớm thành… chiếu luôn. Điều này triệt tiêu thời gian cần thiết cho các bàn tán, bình luận gợi tò mò và càng khiến khán giả nghi ngờ về phim. Nó cũng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp và bài bản của nhà sản xuất, dẫn đến gây hại nhiều hơn làm lợi.
Chất lượng phim không đủ
Thành bại của phim luôn nằm ở nội lực. Em và Trịnh có thể cho thấy sự chỉn chu và tiến bộ về kĩ thuật, hình ảnh, nhưng lại thất bại ở yếu tố cơ bản nhất là kể chuyện. Khoan bàn về câu chuyện hay, bộ phim này còn chưa đạt được mức kể một câu chuyện đúng nghĩa. Không khó để tìm thấy các bài phân tích sâu về Em và Trịnh cùng chỉ ra phim gặp vấn đề ở đâu. Câu trả lời: Gần như mọi khâu chính yếu. Từ kịch bản, đạo diễn, cho đến quan trọng nhất là diễn xuất của nhân vật chính.
Bộ phim tạo ra cảm giác lơ lửng và không hài lòng, đối với cả người yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn lẫn các khán giả trẻ tuổi không hề biết ông là ai. Những hình ảnh kiểu MV lung linh không cứu rỗi được nội dung.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã rất thành công ở các phim “remake” từ kịch bản nước ngoài, như Em là bà nội của anh. Dù vậy, làm một phim mới hoàn toàn từ kịch bản gốc vẫn là mục tiêu khá khó khăn với anh nói riêng và điện ảnh Việt nói chung.
Phim tiểu sử vẫn còn quá khó
Phần bị chê trách nhiều nhất của Em và Trịnh là kịch bản – vấn đề muôn thuở của phim Việt. Rõ ràng trình độ biên kịch trong nước chưa thể chạm đến một trong những thể loại khó nhất của điện ảnh là tiểu sử, hay pha tiểu sử.
Ngay cả quốc gia đang lên về phim như Hàn Quốc cũng ít khi dám chạm đến thể loại này. Nó đòi hỏi không chỉ kĩ năng biên kịch thượng thừa, óc phân tích của một nhà văn, mà còn là các yếu tố khách quan lẫn chủ quan về nhân vật hoặc gia đình nhân vật, văn hóa bản xứ, trình độ tiếp nhận của khán giả.
Ngoài ra, phim tiểu sử còn đòi hỏi trình độ diễn xuất của diễn viên ở mức cao nhất. Hóa thân thành một nhân vật có thật khó gấp nhiều lần một nhân vật giả tưởng, bởi khán giá luôn có thể so sánh với tư liệu. Cần phải nhận định thẳng thắn là hiện tại không có một diễn viên trong nước nào đủ sức cáng đáng thể loại này.
Trình độ thưởng thức của khán giả đã nâng cao
Em và Trịnh làm được một điều tích cực là tạo ra tranh luận sôi nổi, từ chuyên nghiệp đến không chuyên, về tất cả các khía cạnh trong và ngoài phim. Qua đây, chúng ta thấy sau một thời gian được tiếp xúc với phim ảnh nước ngoài (cả ngoài rạp và online), khán giả phổ thông đã có một trình độ thưởng thức tác phẩm phim ảnh nhất định. Họ không còn dễ dàng bị chinh phục hay dắt mũi qua các chiêu bài truyền thông, họ dám khen và chê rất công bằng. Khán giả sẽ ít có tâm lý “ủng hộ phim Việt” nếu phim không đạt đến một ngưỡng chất lượng nào đó.
Tác động từ các trang trái chiều
Các trang bình luận phim đóng vai trò ngày càng lớn trong dòng chảy điện ảnh nội địa, tác động trực tiếp đến quyết định chọn phim của khán giả. Ngoài ra, một số lượng các cây bút không chịu chi phối của nhà phát hành cũng sẵn sàng đóng góp ý kiến.
Với lợi thế không bị chi phối bởi lợi ích từ phát hành, giọng văn hay cách truyền tải gần gũi, thẳng thắn, đúng trọng tâm, các trang và cá nhân này đang dần nhận được nhiều tin tưởng.
Nhờ sự tiện lợi và nhanh chóng của mạng xã hội, khán giả dễ dàng tiếp cận các thông tin nhiều chiều và thuyết phục theo cảm nhận của họ. Việc dập tắt hay lấn át các luồng ý kiến này là không thể và không nên. Về lâu dài, việc hình thành văn hóa “chê phim”, tạm gọi như thế, sẽ có tác động tích cực đến điện ảnh trong nước. Nó thúc đẩy giới làm phim đổi mới không ngừng và thách thức họ làm ra các tác phẩm ngày càng tốt hơn nữa.
Dù rằng Em và Trịnh không thành công như mong đợi, nhưng đã cho thấy sự quan tâm của khán giả đến phim nội địa lớn đến mức nào. Đó là tín hiệu vui chứ không hề buồn của điện ảnh nước nhà, sau một thời gian dài bất động do đại dịch. Chỉ cần còn được quan tâm, phim Việt vẫn sẽ phát triển và tiến lên.