Nguy hiểm - "Đơn thuốc truyền miệng" điều trị cho trẻ F0

NGUYỄN LY| 21/03/2022 07:52

Kháng sinh, kháng viêm là những loại thuốc khi sử dụng cần phải có kê toa của bác sĩ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Nếu lạm dụng kháng sinh, kháng viêm sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ dần cạn kiệt, yếu trước tác nhân bệnh tật khác khi bị tấn công. Nếu tự điều trị COVID-19 cho trẻ, nguy cơ vô tình "đầu độc" trẻ bằng kháng sinh, kháng viêm.

Nguy hiểm -
Không nên lạm dụng kháng sinh, kháng viêm khi trẻ bệnh. Ảnh: Chân Phúc

Lo quá hoá sai lầm

Theo số liệu từ Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu tháng 3.2022 đến nay (20.3), TPHCM đã có hơn 30.000 học sinh F0, trong đó, số lượng trẻ tiểu học chiếm đa số. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị COVID-19 cho trẻ em, đa phần điều trị theo triệu chứng cho trẻ tại nhà. Với những trường hợp có bệnh lý nền sẽ được bác sĩ theo dõi và điều trị tại bệnh viện. 

Trước tình hình dịch bệnh tăng nhanh vừa qua, nhiều phụ huynh e ngại, lo lắng con em mình trở thành F0. Chính vì vậy có tình trạng nhiều người cho trẻ uống kháng sinh “đón đầu” khi trẻ vừa bị sốt nhẹ. Thậm chí, không ít người lại sử dụng toa thuốc của các “cựu F0” quen biết để mua thuốc “đánh nhanh, thắng nhanh COVID-19” cho con mình vì sợ bệnh của con diễn tiến nặng.

Phóng viên, trong vai một phụ huynh, có con nhỏ 8 tuổi mắc COVID-19 và mong muốn được mua thuốc điều trị, chỉ sau vài phút  liên hệ, đã liên tục nhận được những toa thuốc online.  Gần như tất cả đơn thuốc trên đều có thuốc Medrol 16mg (một loại thuốc kháng viêm). 

Khi thắc mắc về việc còn nhỏ quá uống được không, người cho toa thuốc khẳng định con của chị 8 tuổi, mắc COVID-19 cũng sử dụng loại thuốc này rất hiệu quả để giảm đau, hạ sốt. Nếu bé dưới 20kg, mỗi lần cho bé uống nửa viên. Uống liên tục 5 ngày bé sẽ khỏi COVID-19.

Sau khi hỏi triệu chứng của trẻ và được biết trẻ ho khan, sốt nhẹ, đau họng, người bán liền bán siro ho loại dành cho trẻ em, một loại thuốc chống dị ứng, thuốc hạ sốt,… Trong khi chuẩn bị tính tiền, chúng tôi ngỏ ý mua thêm thuốc kháng sinh Cefuroxim 500mg và thuốc kháng viêm Medrol 16mg cho trẻ uống kèm để nhanh khỏi bệnh. Người bán tư vấn không nên cho trẻ uống Cefuroxim 500mg vì đang là loại kháng sinh mạnh, nhưng có thể cho trẻ uống Medrol 8mg vì còn nhỏ. Cũng theo người bán: “Thường thấy nhiều toa thuốc trị COVID-19 đều có Medrol, nếu bác sĩ cho uống thì thuốc này có thể có hiệu quả”.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn đều có những toa thuốc truyền miệng. Với những “bác sĩ nội chợ” tư vấn cho nhau, dù mục đích đều muốn tốt cho con, nhưng vô tình lại khiến sức khoẻ trẻ bị ảnh hưởng. 

Có thể phải trả giá khi tự ý dùng "đơn thuốc truyền miệng"

Theo các chuyên gia, nếu lạm dụng kháng sinh, kháng viêm trong điều trị gây nhiều hậu quả như hội chứng Cushing, trẻ bị rậm lông, trữ nước, phù mặt, teo tay chân,… Đồng thời,  khi uống kháng viêm sẽ gây suy giảm miễn dịch thứ phát, sức đề kháng của trẻ nhỏ sẽ yếu đi. Một số loại kháng sinh có thể gây tiêu chảy, mất nước ở trẻ, nguy cơ trẻ mắc COVID-19 trở nặng nhanh sau khi uống kháng viêm, kháng sinh càng tăng lên.

Chưa kể về lâu dài sẽ gây nhờn thuốc, giết các vi trùng có lợi. Một khi trẻ mắc các bệnh về vi trùng khác thì sẽ kháng kháng sinh, rất khó để chữa trị.

Ngoài ra, đối với những trẻ đang mắc bệnh nền như tim mạch, tiểu đường,… đang sử dụng thuốc điều trị, việc sử dụng kháng sinh, kháng viêm sẽ làm tăng liều lượng thuốc vào trong người đứa trẻ càng nguy hiểm, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, thậm chí tử vong ở trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trong các phác đồ hướng dẫn điều trị cho trẻ mắc COVID-19 của Bộ Y tế đều không sử dụng kháng sinh, kháng viêm. Trong trường hợp trẻ mắc COVID-19, bị nhiễm thêm một loại vi trùng khác, bác sĩ điều trị rất cân nhắc việc sử dụng kháng sinh, kháng viêm cho trẻ.

“Chúng tôi chỉ sử dụng kháng sinh, kháng viêm cho trẻ F0 mức độ bệnh trung bình, trẻ nhập viện bị suy hô hấp, thở oxy, nhiễm trùng,… nhưng chỉ sử dụng khoảng 3 ngày, hạ dần liều lượng và theo dõi liên tục.

Trường hợp trẻ xuất hiện nhiều triệu chứng sốt, ho, sổ mũi,… cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt thông thường theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lau người cho trẻ, cho trẻ sử dụng siro ho,… 

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM lo lắng:

"Thật sự, khi tôi truy cập vào các trang mạng, tôi rất lo lắng trước tình trạng mọi người chuyền tay toa thuốc điều trị cho nhau. Trong đó, có những toa thuốc cho F0 uống kháng viêm liên tục 5 ngày. Điều này rất nguy hiểm, vừa không có hiệu quả điều trị vừa làm người bệnh hứng chịu các tác dụng phụ không đáng có”.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/nguy-hiem-don-thuoc-truyen-mieng-dieu-tri-cho-tre-f0-1025551.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/nguy-hiem-don-thuoc-truyen-mieng-dieu-tri-cho-tre-f0-1025551.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm - "Đơn thuốc truyền miệng" điều trị cho trẻ F0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO