Lấp lỗ hổng pháp lý về đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cứu người bệnh

Thảo Anh - Thiều Trang| 22/06/2022 09:47

Theo tâm tư của nhiều bác sĩ, đại biểu Quốc hội, điều quan trọng cần làm hiện nay là không để những bê bối làm lu mờ mồ hôi, công sức của ngành y; đặc biệt chú trọng đến việc phục hồi và phát triển tốt hơn ngành trụ cột lớn của an sinh, không để công cuộc khám chữa bệnh ngừng nghỉ vì thiếu thuốc, vật tư y tế.

Lấp lỗ hổng pháp lý về đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cứu người bệnh
Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh minh họa: Thanh Chung
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế được Báo Lao Động ghi nhận tại các bệnh viện. Video: Nhóm PV

"Công cuộc chữa bệnh cứu người không được ngừng nghỉ"

Trao đổi về vấn đề nhiều bệnh viện đang thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Theo đó, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm dù đã được giao quyền tự chủ.

"Chính sách có thể ban hành chưa đồng bộ, bộ máy có thể gặp trục trặc nhưng công cuộc chữa bệnh cứu người không được ngừng nghỉ. Vì vậy, trong bất kể hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không được để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Chúng ta phải xử lý và khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ngay và luôn" - ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Khẳng định từ giữa năm 2020 cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các bệnh viện đều vướng phải trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, rất nhiều bệnh nhân phải chuyển viện để nhường chỗ, phải sang viện khác làm các xét nghiệm do thiếu hóa chất, phải ra ngoài chụp chiếu vì máy hỏng hoặc thiếu vật tư.

“Tôi đã chứng kiến một bệnh nhân 86 tuổi bị tiểu đường kèm chấn thương phần mềm ở chân, phải chuyển đến 3 bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương điều trị trong 3 tháng tháng vì thiếu thuốc. Tôi đã nói với bệnh nhân hãy trình bày với bác sĩ nguyện vọng ở lại và ký cam kết đồng ý mua thuốc bên ngoài. Nhờ có đơn thuốc ngoài, chỉ một tuần sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được ra viện.

Hay có tình trạng máy chụp CT bị hỏng 1 bộ phận, trước đây chỉ chụp 2-3 phút là xong, giờ phải chờ thêm 30 phút. Bình thường chỉ làm 1 ca 8 tiếng, nay nhiều y bác sĩ phải làm 24/24. Điều này gây bức xúc cho cả người bệnh và nhân viên y tế, tạo ra hố sâu ngăn cách” - bác sĩ Phúc cho hay.

Theo bác sĩ, thực tế hiện nay, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều tỉnh thành chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà còn gây rối loạn cho cả hệ thống y tế.

Giải pháp để không "tê liệt" cả hệ thống y tế

Ông Trịnh Xuân An cho rằng, ngành y tế là một trong những trụ cột lớn của an sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người dân. Giải pháp trước mắt để không "tê liệt" cả hệ thống y tế là tất cả đội ngũ y tế cần có hành động quyết liệt và quyết tâm thật cao. Cần có người tư lệnh có tâm, có tầm, có tài, có đủ dũng khí vượt qua giai đoạn này, vì người đứng đầu đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Theo ông An, cần chọn một người có đủ khả năng để chèo lái ngành, một tư lệnh ngành có đủ bản lĩnh, giải quyết từng việc, những bất cập trong ngành. Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền cấp cơ sở, địa phương, các tỉnh thành phố phải đặc biệt quan tâm hệ thống y tế.

"Điều gì hỗ trợ cho ngành y, cái gì tháo gỡ được phải tháo gỡ ngay, như các quy định liên quan xã hội hóa, đầu tư trang thiết bị máy móc, cần làm ngay chứ không để dừng hết lại như hiện nay.

Đặc biệt, đấu thầu đang "vướng" ở cơ sở y tế công. Vì vậy, để giải quyết phải làm triệt để thì quy trình đấu thầu phải minh bạch khách quan; Đấu thầu trong y tế có đặc thù riêng nên giá trong đấu thầu y tế phải khác so với các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, khâu xây dựng chính sách là quan trọng, phải bắt tay vào ngay, đặc biệt là hệ thống chính sách y tế, Luật khám chữa bệnh còn nhiều vấn đề mà người dân quan tâm, như giá dịch vụ y tế, xã hội hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu không làm sớm, hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ" - ông An nhấn mạnh.

Còn theo bác sĩ Trần Văn Phúc, cần gỡ điểm nghẽn ở công tác đấu thầu, là bước khởi đầu của cải cách y tế trong giai đoạn hiện nay. Và tiếp theo đó là những vấn đề lớn như: cải cách chế độ của cán bộ nhân viên y tế, thay đổi bộ mặt hệ thống y tế công, xứng tầm với các quốc gia trên khu vực.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/lap-lo-hong-phap-ly-ve-dau-thau-thuoc-vat-tu-y-te-de-cuu-nguoi-benh-1058561.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/lap-lo-hong-phap-ly-ve-dau-thau-thuoc-vat-tu-y-te-de-cuu-nguoi-benh-1058561.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lấp lỗ hổng pháp lý về đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cứu người bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO