Khoảng 8h30, đoàn rước với hàng trăm người mặc trang phục áo dài truyền thống xuất phát từ Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm) đi qua các tuyến phố cổ cũng như di sản Thủ đô về đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc.
Đây là hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng bá hình ảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Đoàn rước lễ với hàng trăm người đi qua các tuyến phố trong suốt gần 3 tiếng đồng hồ.
Sự náo nhiệt, tươi vui của không khí lễ hội ngập tràn các ngõ phố mỗi khi đoàn rước đi qua.
Trần Hà An (sinh năm 2009) trên tay cành đào tươi thắm tham gia đoàn rước lễ cho biết: "Em vốn yêu văn hóa truyền thống từ lâu, đặc biệt là áo dài Việt Nam nên việc có mặt và khoác trên mình tà áo truyền thống trong đoàn rước hôm nay em cảm thấy rất vinh dự".
Đoàn rước lễ dừng chân trước khu vực Ô Quan Chưởng, di tích mang đậm dấu ấn kinh thành Thăng Long xưa.
Người dân trong khu phố cổ háo hức ngắm nhìn đoàn rước qua các tuyến phố cổ.
Đoàn rước lễ đi qua phố Tạ Hiện vốn tấp nập, đông đúc nay càng trở nên rộn ràng, ngập tràn không khí lễ hội.
Đoàn rước lễ đi qua phố các con phố Đào Duy Từ - Ô Quan Chưởng - phố Hàng Chiếu - phố Hàng Giầy - Đền Bạch Mã - phố Hàng Buồm - phố Tạ Hiện - Rạp Chuông Vàng và dừng lại ở Đình Kim Ngân (Hàng Bạc).
Tại đình Kim Ngân diễn ra các hoạt động lễ dâng Thành Hoàng, lễ dựng cây nêu ngày Tết và diễn xướng dân gian mừng Xuân mới.
Trong ảnh là hoạt động viết thư pháp lên một tấm vải đỏ dài với 5 chữ "Giáp Thìn niên thịnh vượng", tấm vải này sẽ được treo nên cây nêu được đặt trước đình Kim Ngân.
Cây nêu được dựng lên trong khuôn viên đình Kim Ngân trước sự chứng kiến của đông đảo quan khách và người dân.
Hoạt động diễn xướng như múa "Con đĩ đánh bồng" của làng Triều Khúc, hát then... được tổ chức ngay sau đó phục vụ người dân và khách tham quan.