"Xếp lốt" dài chờ được nằm phòng dịch vụ
"Em ngồi đây đợi mẹ đi mua cháo về ăn nhé, ngồi cẩn thận kẻo ngã" - chị Nga (quê Phú Thọ) vừa cất lời dặn con, vừa cẩn thận đẩy xe cáng vào sát lan can phía ngoài hành lang. Bên cạnh con gái chị là 2 người nhà bệnh nhân khác đang "ngồi ké".
Hỏi chuyện mới biết, con gái chị Nga đã điều trị tại Trung tâm Tiêu hoá - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, được 2 ngày. Đêm đầu tiên ở bệnh viện, con mất ngủ đến phờ phạc vì chỗ nằm chật chội, giường bệnh ghép 3 người.
"Cả khu có 80 giường, mỗi phòng 8 giường mà hơn 200 bệnh nhân, giường của con tôi ghép 3 người. Nằm cũng không xong mà ngồi thì mệt, nên con cứ truyền xong lại mang cáng ra ngoài hành lang nằm" - chị Nga nói.
Thấy con mệt mỏi, chị Nga đề xuất với bệnh viện để được chuyển qua phòng dịch vụ, nhưng không được vì quá đông bệnh nhân có nhu cầu.
"Nằm ở đây, có bảo hiểm, giá giường chỉ hơn 100.000 đồng/ngày nhưng chật chội. Còn giường dịch vụ giá 1 triệu/ngày, có cả vệ sinh khép kín nhưng cả Trung tâm chỉ có 3-4 phòng, mỗi phòng 2 giường nên khó có suất. Mọi người phải đặt trước nhiều ngày, người cũ chuyển ra, người khác mới có cơ hội vào. Đúng là có tiền cũng không có phòng để nằm" - chị Nga thở dài ngao ngán.
May mắn có suất chuyển vào phòng "dịch vụ hạng 2", bà Tình (Hà Nội) cho biết, giường phòng này có giá 400.000 đồng/ngày, vốn dĩ gọi là phòng "dịch vụ hạng 2" vì có 4 giường và không có công trình phụ. Nhưng cũng xem là may mắn vì rất nhiều người đăng ký, "xếp lốt" ở quầy nhưng không có suất vào ở.
"Như nhà tôi đã là may mắn, nhiều người phải trải chiếu nằm dài ngoài hành lang kia kìa" - vừa nói, bà Nga vừa đưa tay chỉ ra phía bên ngoài - nơi nhiều người đang trải chiếu ăn suất cơm tối, có người phờ phạc nằm dài trên ghế.
Giá giường tăng, chất lượng phải tăng
Mới đây, Bộ Y tế vừa công bố dự thảo hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến áp dụng từ ngày 1.1.2023.
Đáng chú ý, giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một, mỗi phòng 1 giường.
Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có 2 giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân có nhu cầu sử dụng phòng dịch vụ nhưng cơ sở vật chất của bệnh viện không thể đáp ứng hết. Một số người đã và đang sử dụng loại phòng này thì cho rằng, số tiền bỏ ra cần tương xứng với dịch vụ y tế nhận lại. Đặc biệt, tăng giá phòng cần tăng cả chất lượng phòng.
Đưa vợ đến mổ đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, anh Sơn (Hà Nội) cho biết, giường theo dõi chờ đẻ giá 1,5 triệu đồng/ngày; giá giường dịch vụ sau đẻ dao động từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/ngày.
Theo anh Sơn, vợ anh được sắp xếp nằm giường dịch vụ từ khi đăng ký gói đẻ đến khi ra viện, có người nhà ở cùng chăm sóc ở phòng theo dõi chờ đẻ. Giá tiền phòng so với dịch vụ hiện tại hợp lý, nhưng nếu tăng giá tối đa 2,5 - 3 triệu đồng/giường thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ.
"Với giá tiền đó, bệnh nhân cần nhận được những dịch vụ chăm sóc tốt nhất, thậm chí tiện nghi như khách sạn 5 sao" - anh Sơn nói.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia Kinh tế cho biết - nhiều bệnh viện hiện nay đang trong tình trạng quá tải nên không thể đòi hỏi đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh về những phòng dịch vụ hay mang tính đặc thù. Nhưng bệnh viện cần dựa trên cơ sở vật chất sẵn có, đề xuất thêm để có thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
"Về giá cả giường bệnh, bệnh viện cũng phải xem xét phù hợp với tình hình thực tế, không thể tăng kịch trần và đưa ra giá quá đắt nếu không đáp ứng được cơ sở vật chất" - PGS Thịnh nói.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi