EU áp dụng trừng phạt mới với Nga từ ngày 12/3. (Nguồn: Reuters) |
Liên minh châu Âu (EU) sẽ đình chỉ việc đối xử kinh tế và thương mại đặc quyền đối với Moscow, cấm việc sử dụng tiền điện tử và cấm xuất khẩu sang Nga các mặt hàng xa xỉ của EU và nhập khẩu các sản phẩm thép. Đây là tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Layen hôm 11/3.
Với sự phối hợp của Mỹ và các đồng minh G7 khác, các biện pháp mới tạo thành đợt trừng phạt thứ 4 chống lại Nga vì chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, kể từ ngày 12/3, EU sẽ áp dụng gói biện pháp trừng phạt thứ 4 để cô lập hơn nữa Nga và tiêu hao các nguồn lực mà nước này sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tranh man rợ này.
Cùng với các đồng minh phương Tây khác, trong đó có Mỹ, khối này sẽ thu hồi quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Nga. Điều này sẽ tạo điều kiện cho EU cấm hoặc áp đặt thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm của Nga và đặt Nga ngang hàng với Triều Tiên hoặc Iran.
Trước mắt, EU sẽ cấm nhập khẩu hàng hóa từ lĩnh vực thép. Nga cũng sẽ bị đình chỉ các tư cách thành viên ở các tổ chức đa phương lớn, chẳng hạn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Các đồng minh G7 vào tuần tới sẽ tìm cách phối hợp việc nhắm mục tiêu vào đội ngũ thân cận của Tổng thống Putin để đảm bảo rằng Nga và giới tinh hoa của họ "không thể sử dụng tài sản tiền điện tử để né tránh các lệnh trừng phạt."
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Josep Borrell, cho biết ông đang đề xuất đưa nhiều nhà tài phiệt, doanh nhân và công ty Nga vào danh sách đen. EU trừng phạt những đối tượng này bằng hàng chục lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Theo đó, các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm vào những người làm việc trong ngành thép và những đối tượng cung cấp dịch vụ tài chính, sản phẩm quân sự và công nghệ cho nhà nước Nga.
Các quan chức EU từ chối cho biết liệu chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, Roman Abramovich ,có nằm trong số những người có nguy cơ bị đưa vào danh sách này hay không. Anh đã đóng băng tài sản của người này.
EU sẽ đặc biệt cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga, được coi là một đòn giáng mạnh vào giới tinh hoa Nga. Cuối cùng, khối sẽ cấm các khoản đầu tư mới của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Theo văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hàng hóa của EU từ Nga đạt tổng cộng 145 tỷ Euro (158,7 tỷ USD) trong năm 2019, bao gồm 101 tỷ euro đối với dầu và khí đốt./.
Cùng ngày, cũng theo bà Ursula von der Layen, vào cuối tháng này, EC sẽ đưa ra các phương án để hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá khí đốt đến giá điện.
Ngoài ra, vào tháng 5 tới, EC sẽ công bố kế hoạch để loại bỏ dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than của Nga vào năm 2027.
Bà von der Layen nói: "Vào giữa tháng 5, chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất loại bỏ dần sự phụ thuộc của chúng tôi vào dầu khí và than của Nga vào năm 2027... Chúng tôi cũng đang giải quyết các đợt tăng giá. EC sẽ đưa ra các phương án để tối ưu hóa thiết kế thị trường điện nhằm hỗ trợ tốt hơn cho quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên người tiêu dùng và doanh nghiệp cần được hỗ trợ ngay. EC đã đưa ra hướng dẫn về quy định giá trong những trường hợp đặc biệt này".