Drone tích hợp AI sẽ làm leo thang xung đột Nga - Ukraine?

20/02/2024 13:32

Máy bay không người lái (drone/UAV) trở thành đặc trưng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, vũ khí này có thể sẽ khiến cuộc xung đột bước lên nấc thang mới.

Mỹ cùng các đồng minh như Vương quốc Anh sẽ chuyển giao hàng nghìn máy bay không người lái (drone/UAV) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cho Ukraine để đối đầu với quân đội Nga.

Theo đó, giới quân sự phương Tây đang phát triển công nghệ mà họ tin rằng có thể giúp Ukraine chống lại sự vượt trội của Nga ở một số khu vực nhờ vào phương tiện tự hành. Các drone có thể được gửi cho Kiev trong vài tháng tới, tuy nhiên thời gian chuyển giao chưa xác định.

Drone ngày càng cho thấy tầm quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine khi hai bên đã giao tranh sang năm thứ hai, mở ra cuộc đua phát triển công nghệ mới có khả năng định hình chiến trường tương lai.

Theo Bloomberg, Nga đang đẩy mạnh sản xuất drone quân sự nội địa với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Iran.

uav lancet gagadget.jpg
Drone/UAV trở thành đặc trưng của cuộc xung đột Nga - Ukraine

Trong khi đó, các đồng minh của Ukraine hứa hẹn chuyển giao một triệu drone cho nước này trong vòng một năm. Tuần trước, Kiev tuyên bố đã dùng các xuồng tự hành (USV) phá huỷ một tàu chiến của Nga tại Biển Đen.

Vào đầu tháng 1/2024, các quan chức Nhà Trắng cũng đã có cuộc họp với những tập đoàn quốc phòng hàng đầu để thảo luận về các công nghệ quân sự tiên tiến có thể hỗ trợ Ukraine.

Ukraine cần drone do thiếu hụt về pháo binh. Tuần trước, Kiev đã phải rút quân khỏi Avdiivka sau nhiều tháng giao tranh. Tại Diễn đàn An ninh Munich, Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskiy đề nghị các nước hỗ trợ thêm vũ khí tầm xa và đạn pháo.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cảnh báo những nguy cơ cả về chính trị và tài chính có thể xảy ra nếu Nga giành chiến thắng.

Nguồn tin của Bloomberg nhận định, mặc dù các drone AI không thể thay thế hoàn toàn cho đạn pháo, song chúng giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai bên và tạo ra những cục diện mới trên chiến trường.

Các drone tích hợp AI này sẽ được triển khai theo đội hình lớn, có khả năng liên lạc với từng thiết bị để nhắm vào các vị trí kẻ thù mà không cần người điều khiển từng chiếc.

Phá sản học thuyết quân sự NATO

Tại Ukraine, sự lên ngôi của UAV gắn liền với sự thất bại của học thuyết hiệp đồng binh chủng mà Ukraine học từ phương Tây.

Theo học thuyết quân sự truyền thống mà các chuyên gia NATO cố vấn cho Ukraine, để đạt được bước tiến trên chiến trường, Kiev cần hiệp đồng binh chủng bằng xe tăng, xe chiến đấu bộ binh với sự yểm trợ của pháo binh và không quân. Pháo và máy bay là cần thiết để chế áp hỏa lực phòng thủ, mở ra không gian cho lực lượng tiến công tiếp cận phòng tuyến.

Tuy nhiên, trong thời đại UAV làm chủ bầu trời, mọi nỗ lực tấn công quy mô lớn đều dễ dàng bị phát hiện từ xa, ngay cả trước khi các đơn vị vào vị trí có thể khai hoả. Tiếp đó, bên phòng thủ có thể thực hiện đòn đánh phủ đầu bằng pháo tầm xa và UAV cảm tử nhằm thẳng vào đội hình đối phương.

“Đã qua thời tấn công tập trung bằng xe thiết giáp, trải dài trên nhiều kilomet trong một khoảng thời gian ngắn như chúng tôi từng thực hiện trong cuộc chiến tranh Iraq 2003, vì bây giờ, UAV đã trở nên quá hiệu quả”, Bradley Crawford, cựu quân nhân lục quân Mỹ và nay đang huấn luyện các lực lượng Ukraine, cho hay.

Ryan O’Leary, một cựu binh khác của Mỹ hiện đang chiến đấu cho Ukraine, nhận định huấn luyện của NATO dành cho binh sĩ Ukraine đã không tính đến thực tế tác chiến hiện đại bằng UAV, bởi lẽ chính các lực lượng của NATO cũng chưa thích ứng với thực tiễn này.

Trên chiến trường, các UAV cảm tử điều khiển từ góc nhìn thứ nhất (FPV), mang đầu đạn B-41 đều dễ dàng áp chế các loại xe thiết giáp nhờ vào số lượng gấp nhiều lần. Giá của mỗi UAV chỉ vài trăm USD (trong khi xe thiết giáp từ hàng trăm nghìn USD đến hàng triệu USD) và các nhóm tình nguyện của hai phe đều đang nỗ lực sản xuất hàng nghìn UAV như vậy mỗi tháng.

Nhà phân tích quân sự Sergio Miller nói với trang 19Fortyfive rằng sự phong phú các loại UAV giá rẻ nhưng chính xác này trong chống tăng có hiệu ứng tương tự như súng máy trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất: Thời đó, súng máy khiến cho việc tấn công qua khu vực đất trống trải gần như đồng nghĩa với tự sát. Người lính bộ binh thời Thế chiến I có tình cảnh giống như xe tăng và xe thiết giáp thời nay - chưa tới mục tiêu thì đã bị UAV tấn công vô hiệu hóa.

(Theo Bloomberg, WSJ, Politico)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Drone tích hợp AI sẽ làm leo thang xung đột Nga - Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO