Dương Hà Anh, sinh viên năm cuối ngành Khoa học máy tính của Đại học Brown (Mỹ), nhận được tin trúng tuyển vào vị trí Kỹ sư phần mềm tại Microsoft cách đây vài tháng. Cô gái sinh năm 2002 sẽ gia nhập “ông lớn” công nghệ này vào mùa hè năm nay, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học.
“Để chuẩn bị cho điều này, em đã bắt đầu hành trình ngay từ năm nhất, cũng từng phải gửi hàng trăm lá thư xin làm thực tập sinh trong vòng 3 năm”, Hà Anh nói.
Trước khi trúng tuyển và giành học bổng toàn phần vào Đại học Brown, ngôi trường nằm trong nhóm Ivy League danh giá, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từng có 2 năm học tập tại Trung Quốc nhờ học bổng UWC (Trường Liên kết thế giới). Quãng thời gian này, Hà Anh từng nghĩ mình sẽ theo đuổi kinh tế và hội họa.
Mùa hè trước khi vào đại học, nữ sinh cảm thấy không phù hợp nên đã quyết định chuyển sang Khoa học máy tính. Từ năm nhất, cô tích cực làm trợ giảng nhiều môn chuyên ngành tại trường, thường xuyên mày mò lập trình để nâng cao kỹ năng và tham gia vào các câu lạc bộ chuyên môn của trường như phát triển game, thực tế ảo...
Vì chưa có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, mùa hè năm thứ nhất, Hà Anh trở về nước xin thực tập ở một công ty Việt Nam để “gia cố” hồ sơ. “Hầu hết anh chị đi trước đều khuyên em nên đi thực tập sớm để tích lũy kinh nghiệm, tuy nhiên việc xin vào vị trí thực tập sinh khi còn năm nhất ở Mỹ tương đối khó”, Hà Anh nói.
Phải đến mùa hè năm thứ 2, Hà Anh mới bắt đầu thử sức xin thực tập trong các công ty Mỹ, với đúng ngành học là kỹ sư phần mềm. Nữ sinh Việt chủ yếu tìm kiếm thông tin qua Linkedin và rải trên 200 hồ sơ. Tuy nhiên, chỉ có một người trong số đó phản hồi. Đó là chuyên viên nhân sự của hãng dịch vụ vận tải công nghệ Uber. Sau vòng phỏng vấn, Hà Anh chính thức được nhận.
Sau đó, Hà Anh thực tập tại đây với vai trò thực tập sinh Kỹ sư phần mềm. Cô gái Việt tham gia tạo một công cụ hỗ trợ nội bộ nhằm cung cấp thông tin chuyến đi, khách hàng và tài xế. Lần đầu làm việc tại một công ty chuyên nghiệp, Hà Anh cảm thấy “ngợp” nhưng cũng dần “vỡ ra” quy trình vận hành của công ty, các công đoạn trong một dự án.
“Em nhận ra những kiến thức trên trường phần nào 'khớp' với yêu cầu thực tế của công việc, chẳng hạn tìm lỗi trên code, nhưng cũng có rất nhiều thứ mình phải tự tìm hiểu vì trường đại học không dạy”, Hà Anh nói.
Sau 3 tháng thực tập ấy, quay trở lại việc học, cô nhận ra mình phải trau dồi kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau để mở rộng kỹ năng.
Cũng nhờ những kinh nghiệm khi làm ở Uber, trong lần thực tập tiếp theo, số email Hà Anh nhận được phản hồi nhiều hơn, trong đó có Apple. Cô phải trải qua 3 vòng bao gồm kiểm tra khả năng tư duy, logic, viết code và xử lý tình huống.
Trong quá trình nộp đơn vào các công ty lớn, Hà Anh cho rằng việc có một dự án cá nhân rất cần thiết. Chẳng hạn khi nộp vào Apple, cô gái Việt chia sẻ về dự án “mô phỏng vật lý của nước” do chính mình code, từ đó gây ấn tượng với đơn vị tuyển dụng.
Trong vai trò thực tập sinh kỹ sư phần mềm của Apple, Hà Anh được phân vào nhóm phụ trách các tính năng về hình ảnh cho một số sản phẩm. Trong khoảng 15 tuần, cô tham gia dự án cải thiện trải nghiệm xem ảnh và video 3D của người dùng kính Vision Pro, qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Làm việc tại Apple, có những giai đoạn chạy dự án, Hà Anh phải làm 12-13 tiếng/ngày. Dù nhiều áp lực nhưng cũng nhờ vậy, cô học thêm được nhiều kỹ năng, ngôn ngữ lập trình để đáp ứng yêu cầu công việc.
Tháng 8/2024, giai đoạn các công ty bắt đầu “săn” nhân sự, Hà Anh chủ động tìm kiếm các vị trí nhân viên chính thức. Lần này, cô rải khoảng 80 đơn, tập trung vào các công ty lớn. Dù chưa tốt nghiệp, Hà Anh vẫn lọt vào vòng phỏng vấn cuối của một số công ty.
“Phong cách phỏng vấn và văn hóa của các công ty rất khác nhau. Chuyện hợp công ty này nhưng không hợp công ty kia rất bình thường”, Hà Anh nói. Nữ sinh cho biết, không cảm thấy quá hụt hẫng khi bị từ chối.
Riêng vòng tuyển dụng của Microsoft có bài kiểm tra trực tuyến dài khoảng 2 tiếng, liên quan đến logic và lập trình. Sau đó, Hà Anh được một lãnh đạo và hai kỹ sư phỏng vấn, mỗi người một tiếng, chủ yếu kiểm tra kiến thức, định hướng và các dự án của ứng viên cùng một số tình huống giả định.
“Ngoài ra, họ rất quan tâm đến sự đam mê với công việc, sự cầu tiến, quyết tâm và tinh thần học hỏi của ứng viên”, Hà Anh chia sẻ.
Nhờ kinh nghiệm và sự chuẩn bị từ sớm, cô vượt qua các vòng tuyển dụng khắc nghiệt của Microsoft dù chưa tốt nghiệp đại học.
“Nhận được thư mời thông báo của Microsoft, em rất bất ngờ. Em cảm thấy nhẹ nhõm vì không cần lo lắng về công việc sau khi tốt nghiệp nữa”, nữ sinh nói.
Trong thư mời làm việc, ngoài lương, Hà Anh sẽ được bảo lãnh visa H1-B (thị thực tạm trú diện lao động). Cô sẽ bắt đầu công việc tại đây ngay sau khi tốt nghiệp.
“Mảng công nghệ tại Mỹ khá phát triển. Vì thế, em muốn trau dồi thêm kinh nghiệm, bổ sung kiến thức chuyên ngành liên quan phần cứng máy tính trước khi làm việc chính thức tại Mỹ”, Hà Anh chia sẻ.