Ăn cơm nấu bằng gạo xát quá trắng
Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) cho biết, cơm không chỉ cung cấp chất bột đường để bổ sung năng lượng cho cơ thể mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác. Trong đó, phải kể đến vitamin nhóm B (B1, B3, B6) và chất xơ. Ngoài ra, gạo còn có vitamin E, magiê, mangan, sắt, kẽm. Những dưỡng chất này có nhiều nhất ở lớp ngoài của hạt gạo (trong lớp vỏ cám).
Để chuyển hóa chất bột đường trong cơm, vai trò của chất xơ bên ngoài hạt gạo rất quan trọng. Tuy nhiên, đa phần gạo hiện nay được xát quá kỹ. Gạo càng trắng càng ít dưỡng chất và càng nhiều chất đường bột. Tiêu thụ quá nhiều tinh bột khiến bạn có nguy cơ bị béo phì, tiểu đường, các bệnh phù thũng, tăng huyết áp. Do đó, gạo nên được xát vừa phải để giữ lại lớp cám bên ngoài.
Vo gạo quá kỹ
Theo bác sĩ Tường Vi, bên cạnh xát quá kỹ, trong quá trình nấu cơm, người dân lại thêm một động tác khiến những chất quan trọng có trong gạo bị biến mất. Đó là vo quá kỹ trước khi nấu. Khi mất đi những dưỡng chất bên ngoài hạt gạo, cơm sẽ còn lại phần lõi là tinh bột.
Chuyên gia khuyên là trong quá trình vo gạo, người dân không nên xát mạnh tay, chỉ nên rửa gạo, khuấy nhẹ tay, gạn nước để loại trừ sâu, sạn.
Ăn cơm chan canh
Theo khuyến cáo, đây là thói quen rất sai lầm, nhất là trẻ nhỏ hay mắc. Cơm chan canh khiến lượng cơm và thức ăn trôi tuột vào dạ dày mà chưa được nhai kỹ. Điều đó khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn. Nếu duy trì lâu dài, bạn dễ mắc bệnh đau dạ dày.
Khi nhai thức ăn, enzyme trong nước bọt tiết ra, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, rất có lợi cho sức khỏe.
Khi chan cơm cùng canh, dịch tiêu hóa bị nước pha loãng khiến quá trình hấp thu dinh dưỡng giảm, tạo cảm giác nhanh no nhưng thực chất lượng dinh dưỡng rất ít.
Với trẻ nhỏ, việc chan nước canh khiến các bé ăn nhanh, no ảo, dẫn tới thiếu chất. Về lâu dài, thói quen này tạo thành phản xạ lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm ở trẻ.
Ăn cơm đầu tiên
Thành phần chính của cơm là chất bột đường. Nhiều người có thói quen ăn cơm trước khi ăn các thức ăn khác. Song, mẹo nhỏ để giảm hấp thu đường vào cơ thể là ăn các món chứa nhiều chất xơ trước rồi mới ăn cơm.
Chẳng hạn, bạn nên ăn rau đầu tiên. Đây là thực phẩm chứa nhiều chất xơ, có công dụng nhuận tràng, phòng chống táo bón, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Thói quen ăn rau trước khi ăn cơm sẽ giúp giảm tốc độ hấp thụ đường vào máu. Điều này rất có ý nghĩa với bệnh nhân tiểu đường.
Ăn cơm nấu bằng gạo mốc
Bác sĩ Đặng Thế Căn - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương - cho biết, nấm mốc ở lương thực, thực phẩm như lạc, ngô, gạo, mì rất nguy hiểm. Bởi nấm mốc này sản sinh ra độc tốt aflatoxin - là một yếu tố gây ung thư gan.
Đặc biệt, thực phẩm bị nấm mốc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao vẫn rất nguy hiểm. Nấm aflatoxin là một độc tố khá bền vững. Việc rửa sạch và cho vào nồi đun sôi thông thường không có tác dụng đối với độc tố.
Để bảo quản, nên đóng trong túi nilon, mở túi lấy gạo xong phải buộc chặt. Nơi bảo quản gạo phải mát, thoáng khí, không ẩm ướt. Gia đình nên theo dõi thùng gạo thường xuyên, tránh tình trạng ẩm mốc hư hỏng, để đảm bảo sức khỏe các thành viên trong nhà.