Cấm tuyệt đối hay đặt ngưỡng để xử lý vi phạm nồng độ cồn?
Quốc hội vừa nghe tờ trình và thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những vấn đề khiến người dân và nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn là quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Xem thêm: ĐBQH băn khoăn khi 'uống rượu hôm trước, hôm sau vẫn bị phạt nồng độ cồn'
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là không thực tế.
Đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, nếu cấm ngặt như vậy thì người điều khiển xe thô sơ cũng vi phạm và bị xử lý. Do vậy, theo ông, "nếu uống một chút rượu" mà đi xe đạp cũng bị phạt thì quá trình triển khai luật sẽ phức tạp. Ông đề nghị nên quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn ở mức nào thì bị phạt.
Xem thêm: Đề nghị nghiên cứu ý kiến 'quy định phạt nồng độ cồn quá nghiêm khắc'
Xem thêm: Giám đốc công an đáp gì khi nhà hàng than khó khăn vì kiểm tra nồng độ cồn?
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đề xuất nghiên cứu một tỷ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn là bị xử phạt. "Luật của các nước trên thế giới về cơ bản họ đều có tỷ lệ nhất định nào đó, ta cũng nên nghiên cứu", ông Ấn nói.
Xem thêm: Quán nhậu vắng ô tô, người uống rượu bia sợ cầm lái
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên), việc quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là cần thiết nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật cần nghiên cứu mức nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện để đảm bảo tính khả thi.
Xem thêm: Mình uống chứ không để rượu, bia 'uống' mình
Nêu quan điểm khác, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho biết, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0.
Kiểm tra công trình xây dựng tòa nhà Đồi Cù Đà Lạt
Ngày 13/11, UBND TP Đà Lạt cho biết sẽ kiểm tra công tác xây dựng công trình tòa nhà bên trong Đồi Cù Đà Lạt. Tòa nhà đã chắn biểu tượng của Đà Lạt là núi Langbiang.
Xem thêm: Tư duy mét vuông và Đà Lạt trắng xóa bê tông
Theo kế hoạch, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt phụ trách mảng xây dựng sẽ cùng các phòng ban kiểm tra hoạt động xây dựng bên trong Đồi Cù. Phối hợp cùng UBND TP Đà Lạt, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng tham gia việc kiểm tra công trình đang làm “nóng” dư luận xã hội. Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, thanh tra sở sẽ trực tiếp triển khai công tác kiểm tra.
Xem thêm: Khách sạn lớn nhất Đà Lạt xây vượt phép hơn 4.400m2
Xem thêm: Làm sao để tái lập vẻ đẹp nguyên sơ của Đà Lạt?
Theo văn bản thỏa thuận của UBND tỉnh Lâm Đồng, công trình đang xây dựng là tòa nhà câu lạc bộ golf do Công ty Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư. Tòa nhà có diện tích xây dựng 6.120m2, nằm ở khu vực lỗ golf số 8. Ngoài khối công trình có mái che, tỉnh Lâm Đồng còn đồng ý cho Công ty Hoàng Gia Đà Lạt dùng 3.900m2 làm bãi đỗ xe. Khối công trình tòa nhà câu lạc bộ golf được xây dựng với nhiều công năng, trong đó có nhà hàng và lưu trú với tổng chiều cao 12m.
Xem thêm: Đà Lạt 'bê tông hoá'
Đứng từ hồ Xuân Hương, đặc biệt là vị trí quảng trường Lâm Viên (quảng trường trung tâm của Đà Lạt), tòa nhà bên trong sân golf Đồi Cù che gần như toàn bộ 2 đỉnh núi thiêng Langbiang. Từ nội ô Đà Lạt, dù đứng ở góc nào, người dân cũng đều không thể thấy được 1/2 núi Langbiang như trước khi có tòa nhà này. Biểu tượng tháp ngôi sao của trường ĐH Đà Lạt cũng bị chắn hoàn toàn.
Xem thêm: Nhớ Đà Lạt những mùa sương giăng năm cũ
Theo phân tích pháp lý của các luật sư, kiến trúc sư, tòa nhà có khối tích lớn bên trong Đồi Cù Đà Lạt xây dựng làm sai Quy hoạch 704 (hiện đang hiệu lực) mà Thủ tướng phê duyệt năm 2014, đồng thời làm sai các nguyên tắc quy hoạch nội ô Đà Lạt được kế thừa từ năm 1923.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng lại cho rằng công trình trên không sai quy hoạch.
Bắt giam tài xế gây tai nạn liên hoàn, tông chết cô gái ở Thủ Đức
Liên quan vụ tài xế say xỉn lái xe gây tai nạn thương tâm tại Thủ Đức, ngày 13/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Cao Trí (39 tuổi, ngụ quận 8, nơi ở hiện nay TP Thủ Đức) để điều tra về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Xem thêm: Camera ghi cảnh ô tô lao như 'điên' vào loạt xe làm một cô gái tử vong
Xem thêm: Tài xế say xỉn gây tai nạn rồi bỏ chạy bị xử phạt thế nào?
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định Trí đã sử dụng rượu bia (trong máu có nồng độ cồn là 188,8mg/100ml máu, vượt mức kịch trần) điều khiển ô tô biển số 51K-020.07, trên xe chở bốn người bạn chạy trên đường Nguyễn Văn Tăng, theo hướng từ ngã ba Gò Công về ngã ba Mỹ Thành.
Khi đến đoạn gần giao với đường 15, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, Trí điều khiển xe lấn trái sang phần đường ngược chiều, xảy ra va chạm với hai xe ô tô. Do hoảng loạn, Trí đạp chân ga tiếp tục tông ba xe máy đang lưu thông và dừng trên lề đường, tông sập tường nhà dân. Hậu quả, chị T.T.Y.N. (18 tuổi) chạy xe máy tử vong. Hai người khác bị thương, nhập viện.
Tại cơ quan điều tra Trí đã khai nhận toàn bộ diễn biến liên quan đến vụ tai nạn cũng như hành vi phạm tội. Ông Trí khai trưa 12/11 có nhậu cùng 4 người bạn tại căn hộ một chung cư ở phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức. Đến khoảng 13h30, tất cả nghỉ nhậu, do các bạn ông không có xe về nên Trí lấy ô tô chở các bạn ra đường Nguyễn Xiển để đón xe về thì gây tai nạn.
Vốn ngân hàng bơm cho chủ đầu tư bất động sản tăng mạnh
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố trước thềm Hội nghị trực tuyến về việc triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản, tới cuối tháng 9, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tới 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng sử dụng chiếm 64%, dư nợ với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.
Xem thêm: Ngân hàng nêu nguyên nhân khó giải ngân cho bất động sản
Xem thêm: Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất?
Theo tỷ trọng này, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt khoảng 986.400 tỷ đồng. So với năm 2022, cả tỷ trọng và tăng trưởng của phân khúc này đều tăng mạnh.
Xem thêm: Bơm thêm tiền cho bất động sản như bơm quả bóng đã căng?
Năm trước, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản - khoản cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án - chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, với quy mô đến cuối năm 2022 khoảng 800.000 tỷ đồng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng khoảng 22%.
Xem thêm: Truy tố GĐ Công ty Angel Lina và đồng phạm vẽ 18 'dự án ma', lừa hơn 800 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tín dụng chung và cùng kỳ năm trước.
Xem thêm: 'Bà trùm' bất động sản lừa hàng trăm người đang bị... tâm thần!
Kể từ khi thị trường bất động sản gặp khó từ 2022, đến nay, Thủ tướng đã nhiều lần ra chỉ đạo gỡ khó cho bất động sản. Tuy nhiên, Công điện mới của Thủ tướng cho biết, thị trường vẫn gặp khó khăn, còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý, giao đất, định giá, thị trường vốn. Các thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, tiếp cận tín dụng vẫn chưa thuận lợi.
TP. HCM phạt nguội xe quá tải ra sao?
Từ ngày 10/11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM chính thức áp dụng thí điểm phạt nguội xe quá tải thông qua ứng dụng công nghệ.
Tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, một nhân viên được giao trực tiếp theo dõi, kiểm tra hình ảnh và thu thập dữ liệu thông tin từ các trạm cân truyền về trung tâm.
Có ba trạm cân tự động đã được lắp đặt phục vụ cho việc phạt nguội: Trạm kiểm tra tải trọng xe số 3 khu vực cầu Ông Lớn (quận 7) và hai trạm kiểm tra tải trọng số 6, số 7 tại Trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân).
Tại các trạm này, hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường, có camera tự động chụp biển số xe, đọc ra các thông tin như tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng... Thời gian thu thập dữ liệu 24/24 giờ.
Về quy trình xử lý dữ liệu, ông Bùi Quang Dũng, phó đội trưởng đội vận hành giám sát giao thông, cho hay chỉ cần một nhân viên trực (người vận hành, thay đổi theo ca trực) sẽ truy cập vào hệ thống kiểm soát tải trọng xe tìm kiếm, trích xuất phiếu cân những xe vượt quá tải trọng cho phép, mức vi phạm theo quy định (hiển thị rõ dòng chữ màu đỏ).
Còn các xe đảm bảo tải trọng hiển thị dòng chữ màu xanh sẽ bỏ qua.
Miền Trung lại mưa lớn, nguy cơ lũ lụt đe dọa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở khu vực từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông, riêng khu vực nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Quảng Nam có mưa to đến rất to.
Từ nay đến ngày 15/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 500mm.
Xem thêm: Miền Trung mưa trắng trời, nhiều vùng ngập sâu trong biển nước
Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Ở phía đông của khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 120mm.
Xem thêm: Lốc xoáy làm hư hỏng 17 căn nhà ở Hà Tĩnh
Từ đêm 15 đến ngày 17/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi trên 250mm.
Ông Phùng Tiến Dũng, trưởng phòng dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ hôm nay đến ngày 18/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Xem thêm: Người dân Quảng Nam lội nước đi khám bệnhh
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, bắc Phú Yên ở mức báo động 2, có sông trên báo động 2. Các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.
Xem thêm: Khoảnh khắc Hà Nội trở lạnh dưới 20 độ C, chuẩn bị vào đông
Trong khi đó tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã bị ảnh hưởng của không khí lạnh. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến 14-17 độ C, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 11-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C, ở Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến 17-19 độ C.