Có nên học ngành giáo dục mầm non?

27/10/2023 16:30

Khối ngành Sư phạm nói chung và ngành giáo dục mầm non nói riêng đang thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh trên cả nước.

Tỷ lệ thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành giáo dục mầm non trong những năm gần đây có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, không ít bạn đang thắc mắc có nên học ngành giáo dục mầm non. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp điều này.

Nghề giáo viên được xem là một trong những nghề cao quý. (Ảnh minh họa)

Nghề giáo viên được xem là một trong những nghề cao quý. (Ảnh minh họa)

Học giáo dục mầm non ra trường làm gì?

Giáo dục mầm non là ngành học liên quan trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Vì thế, ngành học này ưu tiên lựa chọn những người thật sự xuất sắc, đầy đủ năng lực và nhân phẩm, đặc biệt phải có lòng yêu trẻ.

Mục tiêu của ngành giáo dục mầm non là hướng người dạy tới việc chăm nom, nuôi dưỡng trẻ mỗi ngày và định hướng giáo dục trẻ ở những năm tháng đầu đời. Ngoài ra, trong quá trình học, các trường sẽ tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ và kỹ năng, kiến thức về vẽ, múa, hát, tiếp xúc, chăm nom cho sinh viên.

Ngoài việc dạy học ở trường, sinh viên ngành giáo dục mầm non sau khi tốt nghiệp có thể trở thành giáo viên dạy âm nhạc, tạo hình, múa,  làm việc tại cơ quan quản trị; làm việc tại trung tâm hoặc tổ chức triển khai giáo dục trong và ngoài nước. Thậm chí các bạn hoàn toàn có thể giảng dạy tại nhà, mở trường riêng nếu đủ điều kiện về vật chất và kinh nghiệm tay nghề.

Một số trường đào tạo ngành giáo dục mầm non

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - năm 2023 tuyển sinh ngành giáo dục mầm non với 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức; sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp. Năm nay, mức điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp của ngành này là 22,25 điểm.

Trường Đại học Giáo dục (Đại Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh 70 chỉ tiêu, với 4 tổ hợp môn xét tuyển: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), C00 (Ngữ văn, Lịch Sử, Địa lý), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh).

Điểm chuẩn năm nay của ngành giáo dục mầm non thuộc trường Đại học Giáo dục (Đại Quốc gia Hà Nội) là 25,39 điểm. Trong khi đó, năm 2022 mức điểm chuẩn lấy cao hơn với 25,7 điểm.

Trường Đại học Vinh xét mức điểm chuẩn ngành giáo dục mầm non với 21 điểm, 4 tổ hợp môn thi M00; M01; M10; M13. Mức điểm chuẩn đối với phương thức xét học bạ là 24 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển tương tự.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) xét tuyển theo 4 phương thức: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét học bạ hoặc điểm thi kết hợp điểm đánh giá năng lực các môn năng khiếu.

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn năm nay của ngành giáo dục mầm non là 22 điểm, với 2 tổ hợp môn xét tuyển M01; M09.

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM xét ngưỡng điểm chuẩn của ngành giáo dục mầm non là 24,21 điểm (xét theo kết quả thi THPT), với 2 tổ hợp môn xét tuyển M02; M03. Ngoài ra, mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ THPT là 24,25 điểm, gồm 2 tổ hợp môn xét tuyển tương tự.

Năm 2023, ngành giáo dục mầm non của Đại học Sư phạm TP.HCM tuyển tổng chỉ tiêu 220.

Tuyết Anh(Tổng hợp)

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/co-nen-hoc-nganh-giao-duc-mam-non-ar829751.html
Copy Link
https://vtc.vn/co-nen-hoc-nganh-giao-duc-mam-non-ar829751.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có nên học ngành giáo dục mầm non?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO