Bệnh viện Ung bướu TPHCM triển khai nhiều giải pháp giảm tải áp lực chờ mổ

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC| 08/02/2023 11:35

Bệnh viện Ung bướu TPHCM là bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam chuyên điều trị về ung bướu. Nhiều năm qua, hoạt động điều trị, khám chữa bệnh của bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải xếp hàng chờ đợi phẫu thuật.

Ngày 3.2, bà Nguyễn Ánh Nguyệt (trú tại Bình Thuận) ôm 3 chiếc ba lô ngồi chờ ở sảnh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 (cơ sở mới đưa vào hoạt động tại TP.Thủ Đức). Bà Nguyệt luôn trong tâm thế sẵn sàng nhập viện vì chồng chuẩn bị mổ ung thư đại tràng lần 2. 

Tuy nhiên, 3 ngày qua, bà cứ ôm đồ lên rồi lại mang đồ về vì bác sĩ hẹn hôm sau lên làm các xét nghiệm, chụp chiếu. "Tôi không hiểu tại sao lại hẹn lên hẹn xuống như vậy, tâm lý chờ đợi rất mệt và nặng nề", bà Nguyệt nói.

Còn đối với trường hợp của chị Nguyễn Thị Mai, sau nhiều tuần chờ đợi chị cuối cùng cũng được thông báo được phẫu thuật trong ít ngày tới. Những ngày ở nhà chờ điện thoại bệnh viện, chị Mai luôn trong tâm trạng hồi hộp kèm lo lắng nếu không may bệnh trở nặng. 

“Bác sĩ tư vấn cho tôi là chờ bệnh viện sắp xếp để mổ, yên tâm về nhà nhưng tôi có bệnh nên lo cứ phải lo, làm sao mà yên tâm được. Cũng may giờ chuẩn bị được mổ rồi nên thấy cũng phấn khởi hơn”, chị Mai chia sẻ. 

Bệnh nhân chờ phẫu thuật, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối không phải là vấn đề mới. Bởi không chỉ trong chuyên ngành ung bướu mà cả những bệnh khác, đặc biệt là các bệnh ngoại khoa, số lượng bệnh nhân cũng phải chờ điều trị là rất lớn. Nguyên nhân là bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM đông, khi bắt đầu một cuộc phẫu thuật, xạ trị… cần chuẩn bị những vấn đề liên quan đến tim mạch, tiền phẫu…

TS.BS Diệp Bảo Tuấn – Phó Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, riêng tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM có 75-80% là bệnh nhân đến từ các tỉnh thành lân cận, 20-25% là người dân tại TPHCM.

 
  Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2). Ảnh: NGUYỄN LY

Thời điểm này dù không phải là cao điểm nhưng có 474 bệnh nhân đang chờ phẫu thuật, điều trị. Những bệnh nhân này bệnh viện đã chuẩn bị các xét nghiệm, điều kiện mổ đầy đủ sau đó cho bệnh nhân về, gần tới ngày mổ bệnh nhân sẽ được thông báo nhập viện, trừ những trường hợp cấp cứu, mổ khẩn cấp mới được ưu tiên. 

“Bệnh viện Ung bướu TPHCM là bệnh viện tuyến cuối. Bệnh viện ngoài có đội ngũ y tế chuyên môn cao, hiện bệnh viện có 13 máy xạ trị (nhiều nhất cả nước) nhưng đa phần đều là dòng máy kỹ thuật cao, điều trị chính xác và hiệu quả hơn nhưng lại mất thời gian hơn. Vì dụ, trước đây một ngày mỗi máy có thể thực hiện điều trị cho 100 bệnh nhân/ngày/máy, thì hiện nay máy hiện đại chỉ thực hiện được khoảng 20-30 bệnh nhân/ngày/máy. Tuy số lượng bệnh nhân điều trị mỗi ngày ít hơn nhưng đổi lại bệnh nhân hiệu quả điều trị cao hơn trước đây và ít tai biến hơn”, bác sĩ Tuấn chia sẻ thêm. 

Để giảm tải áp lực cho Bệnh viện Ung bướu TPHCM, từ năm 2013-2018, bệnh viện đã tham gia đề án bệnh viện vệ tinh, phối hợp đào tạo các bệnh viện tuyến tỉnh để nâng cao năng lực điều trị ung bướu, từ đó giữ được bệnh nhân ở lại tuyến tỉnh điều trị, nếu nặng và phức tạp mới chuyển lên tuyến trung ương. 

“Chúng tôi đã có nhiều thành công trong hành trình 8 năm đó. Đơn cử Bệnh viện Khánh Hoà từ số ca bệnh điều trị ung bướu tại đây ít thì nay phải xây thêm Bệnh viện Ung bướu Khánh Hoà. Hay như bệnh viện Kiên Giang ngày xưa chỉ là một chuyên khoa ung bướu nhưng nay phát triển thành Bệnh viện Ung bướu Kiên Giang. Những thành công này giúp cấp cứu bệnh nhân kịp thời, chi phí điều trị giảm, đỡ tập trung đông người tại tuyến cuối khiến phát sinh thêm các vấn đề xã hội khác…”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh. 

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Ung bướu TPHCM triển khai nhiều giải pháp giảm tải áp lực chờ mổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO