Bệnh nhi D.T.K. (18 tháng tuổi, tỉnh Kiên Giang) nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vào ngày 25.12.
Theo chia sẻ từ gia đình, trước đó khi đang ăn đậu phộng, em đột ngột ho sặc sụa, tím tái. Cha của bé đã sơ cứu bằng cách móc lấy dị vật, nhưng em vẫn tiếp tục ho dữ dội, tím tái và khó thở.
Sau đó, em được đưa đến bệnh viện tuyến huyện, nơi sơ cứu bằng cách cho thở oxy, rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh.
Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhi được chụp X-quang ngực và chẩn đoán nghi ngờ dị vật đường thở/tim bẩm sinh. Sau khi được hỗ trợ thở oxy, em được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để tiếp tục điều trị.
Khi nhập viện tại đây, bệnh nhi có biểu hiện bứt rứt, tím tái, phải thở oxy, các chi ấm, thở lõm ngực, thở rít khi hít vào, khàn giọng. Nghe phổi ghi nhận phế âm thô nhưng đều ở hai bên, bụng mềm, gan và lách không to.
Bệnh nhi được chỉ định chụp CT scan ngực, kết quả cho thấy có dị vật trong lòng khí quản.
Dị vật có kích thước 4x6x11 mm (trước sau - ngang - cao), nằm sát thành trước khí quản, gây hẹp gần hoàn toàn khí quản tại vị trí này.
BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết, bệnh nhi được chẩn đoán dị vật đường thở kèm biến chứng suy hô hấp nặng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ thở, truyền kháng sinh, hội chẩn với ê-kíp nội soi hô hấp để gây mê và xử lý dị vật.
Trong quá trình nội soi, các bác sĩ sử dụng ống soi mềm qua đường miệng, ghi nhận hạ họng và thanh quản thông thoáng, hai dây thanh quản khép mở tốt.
Sau khi gây tê dây thanh, ống soi tiếp tục được đưa xuống khí quản, phát hiện dị vật hình bán nguyệt nghi là hạt đậu phộng ở đoạn 1/3 giữa khí quản, gây bít gần hoàn toàn đường thở. Xung quanh thành khí quản bám nhiều giả mạc trắng.Bằng kềm gắp dị vật, các bác sĩ đã loại bỏ được nhiều mảnh nhỏ đa giác và lấy toàn bộ dị vật ra ngoài. Sau thủ thuật, bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc khá tốt.