Những ngày tôi gần sinh nở, Kiên - chồng tôi nói có chuyến công tác quan trọng không thể vắng mặt nên khả năng không ở bên lúc tôi vượt cạn được. Cảm thông cho công việc của chồng, tôi không một lời kêu ca, phàn nàn, còn nói anh cứ yên tâm vì đã có bà nội, bà ngoại hỗ trợ.
Tôi vỡ ối, có cơn đau chuyển dạ vào nửa đêm, gia đình tức tốc đưa vào bệnh viện. Mọi người báo cho Kiên biết tin, anh gọi điện về động viên tôi cố gắng. Ban đầu, anh bảo sẽ sắp xếp công việc để về với tôi, nhưng lúc sau lại nói không sắp xếp được nên không về ngay được.
Đến lúc đó, tôi vẫn cảm thông cho chồng vì anh bận rộn, vất vả, là kinh tế chính trong nhà.
Tôi chịu đau đớn suốt 12 tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông, bé gái 3kg xinh xắn, giống bố cực kỳ. Khi tôi về phòng nằm nghỉ thì Kiên gọi facetime để gặp con gái. Ông xã không giấu được vẻ hạnh phúc qua từng câu nói và hẹn tôi tối mai sẽ bay về đến Hà Nội.
Tối hôm sau, khi tôi đang trông ngóng đợi chồng về thì bất ngờ thấy có người lạ kết bạn trên Facebook và gửi tin nhắn cho mình.
Mở tin nhắn đó ra, tôi như chết sững trước những dòng chữ, những bức ảnh mà nhân tình của chồng gửi cho mình. Hoá ra, mấy ngày qua Kiên không phải đi công tác mà anh ta và nhân tình đi du lịch. Trong lúc tôi đau đớn, vật lộn với cơn đau đẻ thì Kiên hú hí với bồ nhí ở một resort hạng sang.
Cô ta ghen ngược với tôi. Cô ta nói Kiên đã muốn bỏ tôi từ lâu, nhưng vì tôi có thai nên anh ta đành chấp nhận tiếp tục chung sống vì con chứ từ lâu đã “đồng sàng dị mộng”.
Sự thật bẽ bàng khiến tôi ngất lịm. Khi tỉnh dậy, Kiên đã đứng trước mặt tôi. Biết lý do vì sao tôi ra nông nỗi này, anh ta liên tục xin lỗi, mong được tha thứ. Nhưng tôi không muốn nhìn thấy mặt anh ta, không thể chịu nổi sự phản bội quá đỗi đau đớn này. Anh ta nghĩ gì mà có thể bỏ mặc vợ con để đi cùng tình nhân trong lúc vợ đang sinh nở cơ chứ? Con người bội bạc đến mức đó không còn đủ tư cách để làm chồng tôi, làm bố của con tôi nữa.
Khi xuất viện, tôi về thẳng nhà ngoại. Mất một tuần khóc nhiều, suy nghĩ nhiều, mất ngủ, tôi như kiệt sức, không có sữa. Thương con, tôi cố gắng gượng dậy để lo cho bé. Nếu tôi có chuyện gì, con bé sẽ rất khổ bởi từ nay, chặng đường phía trước chỉ còn 2 mẹ con tôi mà thôi.
Stress sau sinh ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của mẹ và bé?
Sự thay đổi hormone trong cơ thể trong suốt quá trình bầu bí và sinh nở khiến tâm lý người mẹ trở nên nhạy cảm hơn. Khi gặp một vấn đề không hay nào đó, mẹ lại càng buồn bã, nghĩ ngợi nhiều hơn, dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, stress.
Sau sinh, mẹ còn gặp nhiều áp lực, mệt mỏi trong việc chăm sóc em bé. Mẹ ít ra ngoài, cuộc sống thay đổi hoàn toàn càng khiến mẹ dễ đối mặt với những căng thẳng tâm lý.
Những vấn đề này nếu không được giải quyết sớm sẽ khiến tình trạng stress của mẹ ngày càng nặng hơn và có nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Biểu hiện của stress sau sinh: Suy nhược cơ thể; Luôn cảm thấy lo lắng; Rối loạn giấc ngủ; Rối loạn ăn uống; Mất tập trung; Khó gắn kết với con; Có suy nghĩ tiêu cực;...
Để khắc phục tình trạng stress sau sinh, mẹ cần:
- Thiết lập chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học, lành mạnh, tránh kiêng khem quá mức. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B, C, kẽm, magie, omega-3,...
- Mẹ cần nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc, sâu giấc,...
- Hàng ngày, mẹ dành thời gian vận động, tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, yoga, thiền, tập các bài plank, squat ngay tại nhà. Việc tập luyện giúp mẹ có được cảm giác thư thái, thoải mái.
- Lập thời gian biểu chăm sóc con: Nếu như nhiều mẹ có con ngoan, ăn ngủ nề nếp thì cũng không ít mẹ đau đầu vì những em bé sinh hoạt lung tung, không có giờ giấc cố định. Điều này khiến mẹ cảm thấy rất mệt mỏi, kiệt sức. Do đó, mẹ cần lập thời gian biểu để chăm sóc em bé, tham khảo các phương pháp nuôi con hiện đại để giúp bé ăn ngủ điều độ, mẹ có thời gian nghỉ ngơi.
- Nhờ sự giúp đỡ của người thân: Mẹ hãy nhờ chồng và những người xung quanh hỗ trợ mình việc chăm sóc em bé. Như vậy, mẹ vừa có thời gian nghỉ ngơi, lại vừa có được cảm giác được quan tâm, san sẻ.
- Chăm sóc bản thân: Mẹ hãy dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, thỉnh thoảng ra ngoài đi chơi để tinh thần phấn chấn hơn. Ngoài ra, mẹ đừng quên làm đẹp cho bản thân từ bên trong lẫn bên ngoài. Khi mẹ cảm thấy vui vẻ, lạc quan thì việc chăm con cũng sẽ tốt hơn.
Theo Báo PNTĐ