Mua bảo hiểm thì mới được giải ngân
Trong vai người dân cần vay tiền, chúng tôi gặp nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) – Phòng giao dịch Đô Thành (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) có tên L.D, để trao đổi về thủ tục vay khoản tiền 800 triệu đồng để mua căn hộ chung cư giá rẻ dành cho công nhân.
Nhân viên này tư vấn ngoài những thủ tục cần thiết cho 1 bộ hồ sơ vay tiền thế chấp thông thường, người vay phải mua 1 gói bảo hiểm nhân thọ có giá trị 3% số tiền của khoản muốn vay, gói bảo hiểm tối thiểu phải mua là 30 triệu đồng.
"Bên em sẽ coi hồ sơ từ trên xuống, ông nào mua bảo hiểm nhiều, tạo lợi nhuận nhiều cho ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân cho ông đó trước. Gói bảo hiểm nhân thọ mà bên ngân hàng cung cấp cho người vay là của Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam" - D cho biết.
Trong khi đó, khi liên hệ với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (Tiên Phong Bank) - Phòng giao dịch Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TPHCM), để vay 800 triệu đồng, mua căn hộ chung cư giá rẻ dành cho công nhân, chúng tôi cũng được nhân viên tư vấn phải mua gói bảo hiểm thì mới được giải ngân.
Theo đó, 2 nhân viên của ngân hàng này là L và A đề nghị khách hàng có nhu cầu vay phải mua gói bảo hiểm từ 2 đến 3% giá trị khoản vay thì mới được ngân hàng giải ngân.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Phòng giao dịch An Sương, Quận 12 muốn vay 800 triệu đồng.
Chúng tôi được nhân viên tên Đ.T.K hẹn ra quán cà phê gần ngân hàng để trao đổi về hồ sơ, thủ tục cần thiết cho khoản vay.
Tại đây, sau khi đưa ra những giấy tờ cần thiết phải có, thì K cũng thông báo luôn với chúng tôi là cần phải mua 1 gói bảo hiểm nhân thọ trị giá 20 triệu đồng mới được giải ngân.
Bán bảo hiểm để tăng nguồn thu?
Quá trình tìm hiểu về nguyên nhân buộc người vay tiền phải mua gói bảo hiểm mới được ngân hàng giải ngân, chúng tôi được một số nhân viên ngân hàng giải thích do nhiều khoản dịch vụ được ngân hàng miễn phí; để bù đắp vào khoản “thâm hụt” này nên ngân hàng đã yêu cầu người vay mua gói bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân.
Khi liên hệ làm hồ sơ vay, một nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – Phòng giao dịch Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TPHCM) giải thích việc ngân hàng buộc mua gói bảo hiểm mới được giải ngân, bởi đây được xem là nguồn thu quan trọng để bù vào các khoản dịch vụ miễn phí.
Theo đó, sau khi trao đổi với PV về tất cả các giấy tờ, thủ tục mà người vay tiền cần chuẩn bị, nhân viên ngân hàng Eximbank nói thẳng là người vay phải mua gói bảo hiểm nhân thọ với giá trị 1,5% trên khoản tiền vay để được duyệt hồ sơ.
Giải thích về lý do ngân hàng buộc mua gói bảo hiểm mới được giải ngân, nhân viên này cho biết: Trước đây ngân hàng có nguồn thu từ nhiều loại phí dịch vụ, còn hiện tại ngân hàng phải miễn phí các dịch vụ này để cạnh tranh.
Trong khi đó, room tín dụng đang bị siết chặt, nên ngân hàng phải tìm cách tăng thêm thu nhập bằng cách đẩy mạnh bán bảo hiểm. Do vậy, hồ sơ vay nào mua bảo hiểm càng cao sẽ được ưu tiên giải ngân trước, còn ngược lại nếu hồ sơ nào không mua bảo hiểm sẽ khó được giải ngân.
Tương tự, chúng tôi gặp nhân viên tên T.B.K làm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) – Phòng giao dịch Quận 1, cũng với những lý lẽ đưa ra là cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt room tín dụng, nên buộc người vay phải mua gói bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân khoản vay. Mức phí mua gói bảo hiểm mà K đưa ra là 3%/giá trị gói vay, tối thiểu 30 triệu đồng/năm.
Khi liên hệ với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà TPHCM (HD Bank) - Phòng giao dịch Phường Linh Đông (Thành phố Thủ Đức), chúng tôi cũng được nhân viên tư vấn phải mua gói bảo hiểm nhân thọ có giá trị 4% trên tổng số tiền vay mới được giải ngân.
Ngày 17.8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (tỉnh Bến Tre) liên quan đến tình trạng ngân hàng thương mại bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn.
NHNN cho biết, đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng. Trong đó, bảo đảm quá trình phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng được thực hiện đúng quy định.
NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Đồng thời, lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của NHNN đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hằng năm.