Cuộc chuyển giao lịch sử
Một cuộc chuyển giao lịch sử vừa diễn ra tại Viện HHTM vào những ngày đầu thu: TS-BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện HHTM xin thôi tái bổ nhiệm dù vẫn còn đủ điều kiện để cán bộ kế cận có sự phát triển, chia sẻ gánh vác công việc của viện.
5 năm trước, cũng vào những ngày này, GS-TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện HHTM rời nhiệm sở, bàn giao cho người kế nhiệm là TS-BS Bạch Quốc Khánh. Ngày đó GS Nguyễn Anh Trí đã tham gia buổi chào cờ cuối cùng trước khi chia tay toàn thể cán bộ, nhân viên của Viện, về nghỉ hưu trí theo chế độ. Giây phút chào cờ hết sức trang nghiêm và thiêng liêng. Sau đó, mỗi cán bộ, nhân viên và cả bệnh nhân đều vỡ òa trong niềm xúc động nghẹn ngào khi tiễn GS lên xe ô tô rời nhiệm sở. Gần 1.000 người đã xếp hàng hai bên vẫy tay chào trong nước mắt, đó là những cán bộ, nhân viên cùng gắn bó, đồng cam cộng khổ với GS Trí suốt 14 năm qua.
5 năm sau, GS Nguyễn Anh Trí có mặt tại nơi mình từng công tác chứng kiến buổi lễ chuyển giao, nghẹn ngào: “TS-BS Bạch Quốc Khánh trọn vẹn 5 năm giữ chức vụ viện trưởng. Thành công và hiệu quả trong thời gian qua của viện, của TS Khánh đã được Bộ Y tế, nhân dân, bệnh nhân đánh giá, ghi nhận. Tôi chúc mừng viện đã có 5 năm dưới sự điều hành của TS-BS Bạch Quốc Khánh tốt đẹp và tôi tin rằng sẽ có thời kỳ mới dưới sự lãnh đạo của PGS-TS Nguyễn Hà Thanh sẽ thành công hơn. Việc chuyển giao vị trí Viện trưởng khi vẫn còn đủ tuổi để bổ nhiệm lại của TS Khánh khiến tôi rất cảm động và đánh giá cao; đó là tấm gương sáng về đạo đức để tập thể viện noi theo”.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tham dự lễ chuyển giao không khỏi ấn tượng: “Chúng ta đã chứng kiến sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, quản lý giữa TS-BS Bạch Quốc Khánh với PGS-TS Nguyễn Hà Thanh. Đây là sự chuyển giao nhiệm vụ rất đặc biệt giữa 2 thế hệ lãnh đạo của Viện HHTM, đặc biệt ở chỗ TS-BS Bạch Quốc Khánh vẫn đủ thời gian và điều kiện để tiếp tục bổ nhiệm lại giữ chức vụ Viện trưởng nhưng TS-BS Bạch Quốc Khánh đã vì sự phát triển, vì lợi ích chung của viện và sự phát triển của các thế hệ kế cận nên đã tin tưởng, giới thiệu PGS-TS Nguyễn Hà Thanh - người đã được đào tạo qua nhiều thế hệ lãnh đạo và đủ năng lực, phẩm chất để kế nhiệm mình gánh vác trọng trách này”.
PGS-TS Nguyễn Hà Thanh xúc động: “TS Khánh là người lãnh đạo có tầm nhìn, quyết đoán và tử tế, người đã dẫn dắt viện chúng ta trong 2 năm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19. Giờ đây, khi tất cả đã trở về bình thường, Viện trưởng dừng lại để nhường cho chúng ta tiến lên phía trước. Theo cách nói của ngành truyền máu, đó là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng còn hơn thế, đó là biểu hiện của tầm nhìn xa và nhất quán, là tâm thế luôn đặt lợi ích chung lên trên hết. Chúng ta bớt đi một nhà quản lý giỏi, nhưng bù lại, chúng ta lại có được một chuyên gia huyết học - truyền máu hàng đầu, người sẽ tiếp tục gánh vác công việc của Viện, của ngành trên cương vị mới...”.
“Một việc hết sức bình thường”
Sự chuyển giao nhiệm vụ rất đặc biệt giữa 2 thế hệ lãnh đạo của Viện HHTM khiến nhiều người ngỡ ngàng đặt ra câu hỏi: Tại sao TS Bạch Quốc Khánh đang ở cương vị lãnh đạo lại “chấp nhận” lui về? Giữa lúc ngành y đang có nhiều xáo trộn, phải chăng có điều gì bất thường? Rồi hàng loạt câu hỏi khác.
Mặc dư luận, TS Bạch Quốc Khánh chỉ cười: “Đây là việc hoàn toàn bình thường”.
Ngay thời điểm đưa ra quyết định xin nghỉ quản lý, bạn bè khi biết tin đều gọi hỏi thăm nguyên nhân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - người bạn, người đồng nghiệp cùng chuyên ngành cũng khuyên TS Khánh không nên quyết định như vậy, nhưng sau vài tháng Thứ trưởng cũng đồng tình. Còn trong gia đình, vợ con đều hiểu quyết định của ông và tán thành.
Với ai chứ với TS Khánh đây đúng là việc hoàn toàn bình thường. Vốn xuất thân từ con nhà nòi (bố ông là giáo sư Bạch Quốc Tuyên, Viện trưởng đầu tiên của “Đây là việc hoàn toàn bình thường”). Thời trước, chuyện con cái theo nghề bố mẹ gần như truyền thống, TS Khánh cũng không ngoại lệ. Lĩnh vực máu lúc đó cũng mới mẻ nhưng được sự động viên của bố cũng là người thầy, TS Khánh đã thuận theo như một cách tự nhiên. Bố ông muốn ông trở thành bác sĩ để có thể giúp nhiều người, bởi vào giai đoạn trước, việc chẩn đoán và điều trị bệnh máu chưa phát triển. Ông đi theo nghề từ đó.
TS Bạch Quốc Khánh cười nói: Thật ra mọi người mới nhìn duy nhất ở khía cạnh chức vụ, nhưng con người còn nhiều thứ khác, về lâu dài gia đình mới là chính chứ đâu phải vị trí viện trưởng. Tôi cũng đã 58 tuổi, dừng lại để quay lại cuộc sống của một bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt vì nghề nghiệp vẫn là thứ tôi say mê, sợ để dài quá thì sau này không quay lại kịp nữa.
“Một trong những sở thích tôi muốn làm đó là trở về nhà sau khi làm việc, có thể là sớm, có thể là muộn nhưng kiểu gì tôi cũng phải trở về nhà. Về nhà có một không gian rất khác, nó đem lại cho mình sự thư giãn tuyệt vời, ví dụ như nghe nhạc hay xem phim hoặc có thể đọc sách hay vào mạng đọc tài liệu chẳng hạn.
Thế nhưng, trong những năm ở vai trò quản lý, cuộc sống của người làm nghề y rất bận rộn, đi trực, đi làm, thời gian dành cho gia đình cứ thế bị cuốn đi. Khi nhìn lại, tôi thấy điều đó không ổn và cần bước đệm cho những năm sau này. Bước đệm ấy chính là những năm sắp tới giúp mình cân bằng cuộc sống và làm việc với nghề của mình, rèn giũa chuyên môn và dành thời gian cho gia đình" - TS Khánh bộc bạch.
Ít ai biết, người bạn đời cũng chính người đồng nghiệp đã gắn bó với TS Khánh khi còn ngồi ghế giảng đường. Sau này vợ TS Khánh công tác tại Bệnh viện K trước khi về nghỉ chế độ.
TS Bạch Quốc Khánh kể về chuyện nên duyên 2 vợ chồng bác sĩ: “Thật ra nghề nghiệp dẫn lối nhiều hơn bởi nhìn rộng ra có rất nhiều các anh các thầy thế hệ trước tôi, thế hệ của tôi và sau tôi là các bác sĩ lấy nhau. Nghề y của chúng tôi khá vất vả, sẽ phải đi sớm về muộn, phải trực nên ở khía cạnh nào đấy ngay từ khi học trong trường y cũng vất vả hơn so với các trường khác. Chúng tôi học cùng khóa và có nhiều khoảng thời gian học cùng với nhau. Khóa của tôi có 4 lớp, mỗi lớp 80 sinh viên, thường lớp A lớp B học cùng với nhau về mặt lý thuyết nên gần như 3 năm đầu chúng tôi học lý thuyết cơ bản lại chưa phải đi bệnh viện để học và gần nhau.
Thật sự công việc bận rộn như vậy, nếu vợ cũng làm bác sĩ sẽ chia sẻ với mình được nhiều bởi không làm cùng ngành khó để hiểu hết những khó khăn mình phải đối mặt trong môi trường của y tế về việc giờ giấc làm việc, việc đi trực hoặc nửa đêm bị gọi, sáng sớm bị gọi hoặc thứ 7, Chủ Nhật cũng gọi chẳng hạn”.
“Tôi nghĩ rằng để có hạnh phúc phải hết sức chia sẻ trong cuộc sống của gia đình cả hai đều có nhu cầu phát triển sự nghiệp, vấn đề ở đây chúng ta chia sẻ công việc như thế nào cho tốt nhất để đảm bảo công việc chung, ở cơ quan bệnh viện và bên cạnh đó cũng rất bình đẳng với nhau trong các cuộc đối thoại, có người lùi người tiến trong sự hợp lý.
Một vấn đề tôi cho rằng cũng không kém phần quan trọng là luôn luôn có những động viên dù rất nhỏ nhưng làm cho những khó khăn ở cơ quan, bệnh viện giảm bớt đi. Đó là điều chúng tôi cố gắng duy trì, một khía cạnh nữa các cụ bảo vợ chồng bằng tuổi dựa cột mà ăn nên chúng tôi thấm nhuần câu đó có lẽ mới hạnh phúc...”, TS Bạch Quốc Khánh quan niệm.
TS Bạch Quốc Khánh còn có đam mê chụp ảnh. Ông có 2 con trai, con đầu làm kiến trúc sư đang sống ở Pháp và cũng có đam mê chụp ảnh như bố. Con trai thứ hai đi theo lĩnh vực y sinh và hiện đang nghiên cứu về gene. Đúng với tính cách phóng khoáng, giản dị của mình, TS Bạch Quốc Khánh chưa bao giờ gò ép con cái. Các con được thoải mái sống theo khả năng và mong muốn.