Từ 1-1-2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu, người dùng nên làm gì?

27/12/2024 12:10

Ứng dụng ngân hàng (Mobile Banking) sẽ không cho phép chức năng ghi nhớ mã khóa bí mật truy cập nhưng vẫn có bí quyết để đăng nhập tiện lợi và bảo mật.

Theo Thông tư 50/2024/TT-NHNN, từ ngày 1-1-2025, các ứng dụng ngân hàng sẽ không còn cho phép chức năng ghi nhớ mật khẩu đăng nhập. Quy định này được đưa ra nhằm tăng cường bảo mật cho người dùng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Việc loại bỏ tính năng ghi nhớ mật khẩu sẽ giúp giảm nguy cơ bị lộ thông tin hoặc mất cắp mật khẩu, từ đó tăng cường an toàn tài khoản cho khách hàng.

Từ 1-1-2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu, người dùng nên làm gì?- Ảnh 1.
Khách hàng giao dịch trên ứng dụng ngân hàng.

Để đáp ứng yêu cầu này, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán sẽ phải kiểm tra thông tin khách hàng khi họ truy cập ứng dụng Mobile Banking lần đầu hoặc trên thiết bị mới. Việc kiểm tra này bao gồm xác minh mã OTP qua SMS, Voice OTP hoặc các phương thức khác như Soft OTP hoặc Token OTP, thông qua số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký.

Trong một số trường hợp cụ thể, thông tin sinh trắc học như dấu vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt cần được sử dụng để xác minh danh tính khách hàng, tuân thủ quy định tại khoản 5 Điều 11 của Thông tư.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi can thiệp trái phép vào ứng dụng Mobile Banking đã được cài đặt trên thiết bị của khách hàng.

Những quy định này được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ người dùng trước những nguy cơ tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, đặc biệt là các thủ đoạn đánh cắp thông tin, tài sản hoặc lừa đảo trực tuyến.

Tuy vậy, hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dùng, nhất là người lớn tuổi hoặc những người ít am hiểu công nghệ, vẫn giữ thói quen ghi nhớ mật khẩu đăng nhập ứng dụng ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện TPBank cho biết khách hàng vẫn có thể sử dụng các phương thức đăng nhập hiện đại như FaceID hoặc TouchID để đăng nhập ứng dụng ngân hàng, thay vì nhập mật khẩu theo cách truyền thống. Những phương pháp này không chỉ an toàn hơn mà còn mang lại sự tiện lợi trong quá trình giao dịch trực tuyến.

"Với app TPBank, người dùng hiện tại quen với việc sử dụng faceID/touchID của thiết bị để đăng nhập thay vì phải nhập mật khẩu. Khách hàng có thể đăng nhập bằng khuôn mặt/vân tay trên thiết bị, thay vì phải nhớ và nhập mật khẩu mỗi lần giao dịch. Trong trường hợp khách hàng quên mật khẩu hay có nhu cầu sử dụng mật khẩu đăng nhập, bằng việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học tiên tiến nhất hiện tại" - đại diện ngân hàng nói.

Theo quy định, từ ngày 1-1-2025, các chủ tài khoản hoặc chủ thẻ sẽ bị tạm dừng hoặc hạn chế giao dịch nếu không cập nhật thông tin sinh trắc học hoặc để giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu, visa hết hiệu lực.

Khi đó, chủ tài khoản có thể rút tiền tại ATM hoặc sử dụng thẻ vật lý để giao dịch tại các máy POS nhưng sẽ không được thanh toán trực tuyến.

Việc xác thực bằng sinh trắc học được Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh là cần thiết để đảm bảo rằng thông tin tài khoản và thẻ thuộc về chính chủ. Đây cũng là biện pháp quan trọng giúp hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận liên quan đến các tài khoản không chính chủ, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng nếu xảy ra hành vi đánh cắp thông tin bảo mật.

Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/tu-1-1-2025-ung-dung-ngan-hang-khong-duoc-ghi-nho-mat-khau-nguoi-dung-nen-lam-gi-196241227102356808.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/tu-1-1-2025-ung-dung-ngan-hang-khong-duoc-ghi-nho-mat-khau-nguoi-dung-nen-lam-gi-196241227102356808.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từ 1-1-2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu, người dùng nên làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO