Ít loài côn trùng hay nhuyễn thể nào có thể sống sót sau khi bị nuốt vào bụng cá. Tuy nhiên, loài lươn Nhật Bản (tên khoa học: Anguilla japonica) đã rất thành công để làm điều đó.
Bằng cách sử dụng video chụp X-quang, các nhà khoa học từ Đại học Nagasaki, Nhật Bản, đã ghi lại toàn bộ diễn biến, cũng như chiến lược trốn thoát của con lươn.
Điều đáng nói, việc trốn thoát một cách chủ động khỏi đường tiêu hóa của động vật ăn thịt dường như đã trở thành tập tính của loài lươn này.
Cụ thể, trong số 32 con lươn tham gia thử nghiệm, có đến 13 cá thể tìm được đường trốn thoát khỏi dạ dày cá và tìm lại tự do.
Để làm điều đó, chúng quằn quại và trườn ngược về phía sau, nhằm trở lại thực quản của cá. Tuy nhiên, lươn không thoát trực tiếp từ miệng của kẻ săn mồi. Thay vào đó, chúng tìm đoạn liên kết giữa khe mang và chui ra từ đó.
Điều này khiến những cá thể lươn tăng tỷ lệ sống sót, vì không bị cá nuốt ngược trở lại.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, khám phá này đã mang đến những hiểu biết mới về sức mạnh cơ bắp và khả năng chịu đựng môi trường có tính axit, kỵ khí cao, của lươn.
Bên cạnh đó, hình thái dài và trơn trượt của lươn cũng là những yếu tố cần thiết để chúng có thể nhanh chóng thoát khỏi đường tiêu hóa trước khi bị hấp thụ.
Trung bình, thời gian tối đa để mỗi con lươn trốn thoát khỏi cơ thể cá là khoảng 4 phút, trước khi chúng chết trong môi trường tiêu hóa của kẻ săn mồi.