"Gói" quê hương trong những chiếc bánh chưng xanh ở thành phố Sydney

Theo Thanh Tú-Văn Linh/TTXVN| 20/01/2023 19:26

Tết đến Xuân về, một em nhỏ gốc Việt tại Australia chia sẻ: "Mỗi lần gói bánh, nghe ông bà, bố mẹ giải thích cho phong tục tập quán, em lại cảm thấy gần gũi với đất nước Việt Nam hơn.”

Lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc cho con cháu (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)

Tết Nguyên đán luôn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt dù ở bất kỳ đâu.

Đây cũng là hoạt động đặc trưng báo hiệu Tết đến Xuân về của cộng đồng người Việt tại Australia nói chung cũng như của nhóm xã hội-từ thiện "Tia nắng mới cho trẻ em" ở thành phố Sydney nói riêng.

Gói bánh chưng là gói ghém trong đó cả nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương mỗi dịp Xuân đoàn tụ, và hơn thế, gói cả truyền thống dân tộc để trao truyền cho các thế hệ sau.

Với ý nghĩa đó, ông Phạm Vỹ Tửu - một Việt kiều tại Australia đã cùng các con cháu của mình đến với ngày hội do tổ chức từ thiện tại Australia “Tia nắng mới cho trẻ em” (New Sunlight for Chilren) phát động, cùng nhau gói những chiếc bánh chưng xanh, nghe những câu chuyện ý nghĩa về nét văn hóa ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Theo ông Phạm Vỹ Tửu, việc tổ chức gói bánh chưng vừa mang ý nghĩa truyền thống để nhắc nhở con cháu các gia đình dù xa quê hương, xa Tổ quốc nhưng vẫn phải giữ truyền thống linh hồn tết của Việt Nam, “có bánh chưng thì mới có Tết, không có bánh chưng thì thiếu Tết.”

Chính vì thế, năm nào cũng vậy, cứ sát dịp Tết Nguyên Đán, ông lại hướng dẫn các cháu của mình gói bánh chưng với mong muốn giữ gìn truyền thống này được lâu dài.

Còn đối với các em nhỏ gốc Việt, đây chính là cơ hội để trải nghiệm nét đẹp văn hóa cội nguồn, từ đó hiểu và thêm yêu hơn dải đất hình chữ S. Dù sinh ra và lớn lên ở Australia, song mỗi khi được ông bà, bố mẹ hướng dẫn gói bánh chưng, em Minh Hạnh Nguyễn vô cùng hào hứng, say sưa.

Em chia sẻ: “Bánh chưng đặc trưng cho ngày lễ ở Việt Nam, vì vậy, mỗi lần gói bánh, nghe ông bà, bố mẹ giải thích cho phong tục tập quán, em lại cảm thấy gần gũi với đất nước Việt Nam hơn.”

Các thành viên nhóm "Tia nắng mới cho trẻ em" gói bánh chưng gây quỹ từ thiện. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)

Điều đáng nói là những chiếc bánh chưng xanh thơm ngon do các thành viên của nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” gói không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ nét đẹp văn hóa mà còn là nhịp cầu nối những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp.

Được thành lập từ tháng 4/2015 và với số lượng thành viên hiện nay lên đến 240 người, hàng năm, thông qua nhiều hoạt động như làm bánh trung thu, làm lịch, tổ chức các chương trình đi bộ, đạp xe và đặc biệt là gói bánh chưng dịp Tết để gây quỹ, nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” muốn các con cháu sinh sống ở Australia hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của các bạn ở Việt Nam hơn.

Mỗi chiếc bánh chưng được gói hôm nay là một cơ hội được đến trường, được sống tốt hơn của cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.

Cô Nguyễn Hồng Ngọc, một thành viên của nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” tỏ ra vô cùng phấn khởi khi được tham gia hoạt động gói bánh chưng vì cô mong muốn dạy cho con cháu mình những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, muốn hướng các cháu hướng về cội nguồn và sống có nhân văn, biết sẻ chia với các mảnh đời còn khó khăn ở Việt Nam.

Trong suốt ba năm qua, nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” đã cung cấp học bổng cho hơn 200 em nhỏ ở Việt Nam, nhất là những vùng sâu vùng xa, giúp các em có điều kiện đến trường và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chị Vân Anh, một thành viên của nhóm, cho biết với mức học bổng thường xuyên 2 triệu đồng một suất cho các cháu ở tất cả các vùng miền Bắc Trung Nam được đề cử, năm 2022, nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” đã cấp 91 học bổng thường xuyên và một học bổng khẩn cấp 5 triệu đồng.

Tết đến, Xuân sang, tình người lại càng ấm áp. Tuy bánh chưng nhỏ nhưng nghĩa tình lớn. Và chắc chắn sang năm mới, những nghĩa tình ấy sẽ càng nhân lên gấp bội. Đó là điều mà các thành viên của nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” cũng như các mạnh thường quân mong muốn./.

Các thành viên nhóm "Tia nắng mới cho trẻ em" gói bánh chưng gây quỹ từ thiện. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)
Các thành viên nhóm "Tia nắng mới cho trẻ em" gói bánh chưng gây quỹ từ thiện. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)

  • Kiều bào xây dựng ý kiến về Đề án chính sách về kiều hối hoàn toàn mới của TP.HCM
    Ngày 11/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã diễn ra hội nghị triển khai Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030.
  • Những Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài
    Sau 2 năm triển khai, đã có 6 Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tại 5 nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hungary, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Séc. Đây là một điểm sáng trong việc lan toả tiếng Việt của Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).
  • Giáo sư người Việt có lời giải đột phá, giúp đại học Mỹ dẫn đầu về đại số
    Giáo sư Phạm Hữu Tiệp đã giúp giải quyết hai vấn đề từng khiến các nhà Toán học thế giới đau đầu trong nhiều thập kỷ. Những phát hiện của ông góp phần đưa Khoa Toán, Đại học Rutgers (Mỹ) tăng cường hiện diện trên trường quốc tế.
  • Hành trình về nguồn của thế hệ trẻ gốc Việt: khám phá bản sắc qua tiếng mẹ đẻ
    Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra và lớn lên tại quận Cam (California, Mỹ) trong một gia đình gốc Việt, nhưng anh không có nhiều cơ hội tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ khi còn nhỏ. Bước ngoặt đến với Daniel vào thời điểm anh tham gia khóa học tiếng Việt tại Đại học California, San Diego. "Đó là bước ngoặt đầu tiên để tôi khám phá ngôn ngữ của cội nguồn mình", Daniel chia sẻ.
  • Tiếng Việt và hành trình vươn ra thế giới
    Với khoảng 6 triệu người Việt sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ người Việt với quê hương. Cộng đồng người Việt đang tích cực đóng góp vào sự phát triển văn hóa - xã hội của địa phương nơi họ sinh sống. Nhu cầu bảo tồn và phát huy tiếng Việt như một phần bản sắc dân tộc đang được chú trọng, với tiềm năng để ngôn ngữ này được công nhận chính thức tại nhiều quốc gia.
  • Người Việt ở nơi tâm bão Milton quét qua: Gió gào rú, cửa rung lên
    Thay vì đi sơ tán, anh Tuấn Trần (sống ở Sarasota, Florida, Mỹ) chọn ở lại nơi tâm bão được dự báo quét qua. Tiếng gió rít mạnh từng cơn kèm mưa như trút làm nhiều người không khỏi lo lắng.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Gói" quê hương trong những chiếc bánh chưng xanh ở thành phố Sydney
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO