Cha mẹ già có tâm lý sợ con cái vướng bận, không an tâm lo sự nghiệp, vì vậy các cụ luôn cố gắng tự chăm sóc cho bản thân. Câu cửa miệng của nhiều ông bà là: “Ba mẹ khỏe. Các con không cần phải lo, cứ tập trung cho con cái và công việc...”.
Các cụ "tỏ ra mạnh khỏe" để con mình có thời gian chăm lo gia đình riêng, thăng tiến trong sự nghiệp, rảnh rang thì du lịch thăm thú nơi này nơi kia... Ấy nhưng, ngay ở tuổi trung niên, chúng ta đã có thể cảm nhận được sự tuột dốc về sức khỏe. Như cô em tôi, mới 32 tuổi, sau dịch COVID-19 cộng 2 lần vượt cạn, đã than sức khỏe kém.
Em hay nói: "Vậy mà ngày trước, ở tuổi U40-50 cha mẹ làm việc thoăn thoắt, cày sâu cuốc bẫm, không ngại nắng gió. Bây giờ em đi làm 8 tiếng, về đến nhà thấy người rã rời, thời tiết thay đổi cơ thể cũng “biểu tình”. Vậy nên, em tôi suy ra, khi các cụ U70, U80 nói khỏe là chỉ nhằm trấn an con cháu.
Chị Hồng Ngọc (quận 3, TPHCM) và các anh em đã có gia đình riêng, đều ở xa quê. Các con sắp xếp công việc, 1-2 tháng thay phiên về thăm cho cha mẹ đỡ buồn. Chị nói: “Nhiều lúc gọi video thấy mẹ ho, cha phờ phạc, nhưng cả 2 đều tỏ ra tươi tỉnh. Gặng hỏi thì ông bà bảo trái gió trở trời, mệt chút ít rồi hết”.
|
Cha mẹ nào cũng muốn gần con cháu (Ảnh: Vũ Huỳnh) |
Chị Hồng Yến ở Bình Tân (TPHCM) kể rằng, nhà chị gần nhà cha mẹ. Chạy xe máy chỉ khoảng 5 phút, nhưng nhiều khi công việc bận bịu khiến chị không về thăm ông bà. Nếu có đứa con nào tranh thủ gọi điện thoại thì ông nhắc bà không được than thở: "Để chúng nó an tâm đi làm. Thân già không phụ giúp được gì thì quyết không để chúng lo lắng!".
Đến tận khi mẹ chị Yến bị té vì đột quỵ, các con cháu mới vội về. Sau khi mẹ chị mất, ba chị ngày ngày loay hoay trong ngôi nhà hiu quạnh, nhưng ông luôn nói mình ổn. Bệnh nặng, không chịu đựng nổi ông mới gọi cho chị Yến, giọng vẫn cứng cỏi: “Bố còn chịu được!”!
Với các bậc phụ huynh quen sống ở quê có không gian rộng rãi, thoáng mát, hiếm khi các cụ muốn xa quê, lên phố ở cùng con cháu. Trong làng có bạn bè xóm giềng hàn huyên sáng tối, cây cối xanh tươi, không gian yên tĩnh; ở thành phố đất chật người đông, các cụ luôn có cảm giác tù túng.
Bác Huy (77 tuổi, quê An Giang) chậm rãi nói: “Lên chơi với con cháu vài hôm thì tôi ở chứ ở lâu không quen. Cả ngày tụi nó đi làm đi học. Tối về ăn cơm xong lại bài vở rồi ngủ cho sáng hôm sau tiếp tục ngần ấy thứ... Gặp nhau được vài tiếng, chẳng đáng là bao. Hơn nữa, tôi không quen ở cảnh “chim lồng cá chậu”. Dưới quê vẫn mát mẻ và có hàng xóm ấm trà, thỉnh thoảng ly rượu, thoải mái hơn. Ở quê cách sống khác và ai cũng quen thân. Trên này trông vậy, chứ nghe gõ cửa là sợ người lạ lừa gạt. Ở trong nhà mà thấp thỏm...”.
Cô Bích Phượng rất quảng giao, nên khi lên nhà con gái chơi tại khu một chung cư lớn tại TPHCM, cô hay xuống khuôn viên gặp gỡ giao lưu với chị em cùng trang lứa. Cô nói cười rôm rả, nắm rõ “lý lịch” hàng xóm còn kỹ hơn cả con gái. Thế nhưng cô chia sẻ vẫn thích ở quê hơn. Chồng cô xuống sân không trò chuyện được với các bà, nên được vài câu lại lên xem tivi, nằm rồi ngủ, không có việc để luôn tay luôn chân như ở làng.
Chơi với con được vài hôm, chồng cô Phượng đòi về. Ông nói: “Thật ra lớn tuổi, về nhà cũng không làm gì nhưng nhà của mình, từ cái bàn, cái cây và mọi thứ xung quanh thấy êm đềm và gần gũi. Khi cần, hàng xóm cũng đến lập tức, nên đi xa thấy nhớ các bạn già…".
|
Công việc mỗi ngày là thói quen khó bỏ của người già (ảnh minh họa) |
Cô Phượng tiếp lời: “Tuổi trẻ thích bay nhảy theo ước nguyện. Giờ vợ chồng già còn sức khỏe, còn tự chăm lo bản thân được thì cố gắng. Đến giai đoạn nào đó chúng tôi quá yếu thì tính tiếp. Khi các con tới tuổi già, chúng sẽ cảm nhận được thứ gì là quan trọng với mình, có khi lại muốn về quê sống… Thời đại bây giờ không thể bắt con cái dừng lại để bận bịu với cha mẹ".
Để bắt kịp thời đại và nhịp sống của các con, các cụ nhắc nhau cập nhật kiến thức và học hỏi qua các kênh thông tin như báo đài, đây cũng cách giúp các cụ sống vui sống khỏe.
Vũ Huỳnh