Về vấn đề này, Cục Quản lý Dược cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã có báo cáo gửi Cục, thông báo khả năng sản xuất thuốc phóng xạ F-18FDG của máy gia tốc Cyclotron cao hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Về đề nghị phê duyệt được cung cấp thuốc phóng xạ F-18FDG của Bệnh viện Chợ Rẫy cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ngày 18/4, Cục Quản lý Dược đã có công văn chấp thuận.
Cục này cũng đề nghị Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khẩn trương liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy để được cung cấp thuốc theo quy định, đảm bảo nhu cầu thuốc cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh.
Trước đó, như báo VietNamNet đã đưa tin, từ năm 2020, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trang bị hệ thống máy PET/CT hiệu Discovery MI DR.
Nguồn cung thuốc phóng xạ 18F-FDG (sử dụng tiêm cho bệnh nhân chụp PET/CT) của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là một công ty cổ phần y học, có chi nhánh đặt tại TP Thủ Đức.
Nguồn tin cho biết, chi nhánh này chưa gia hạn được giấy đăng ký lưu hành thuốc, trong khi cơ sở công ty tại Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Họ vẫn cung ứng thuốc phóng xạ cho một số bệnh viện ở Hà Nội.
Vì thế khoảng nửa năm qua, hệ thống máy PET/CT của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM hoạt động cầm chừng, sau đó dừng hẳn.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã gửi công văn báo cáo lên Sở Y tế TP.HCM, Sở tiếp tục báo cáo lên Cục quản lý Dược, Bộ Y tế. Phương án được tính đến là Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ san sẻ thuốc phóng xạ cho các bệnh viện bạn.
Ngày 20/5, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho hay đơn vị này đang chờ thuốc từ Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là phương án thuận lợi nhất.
Như vậy, người bệnh ung thư tại TP.HCM có thể không còn phải vất vả tìm nơi chụp PET/CT. Thời gian qua, họ được chuyển từ Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức... đến Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký và chờ khoảng 30 ngày để chụp PET/CT.