* Thưa bác sĩ Trần Văn Phúc, ông đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay như thế nào sau hơn 2 năm dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam?
- Đại dịch COVID-19 xảy ra đã hơn 2 năm, chúng ta thấy rằng Việt Nam với một tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của tất cả người dân đã chiến thắng chủng virus Vũ Hán ban đầu trong năm 2020 được cả thế giới ghi nhận với những thành công rất tốt đẹp. Tuy nhiên đến năm 2021, biến thể Delta khi tấn công vào Việt Nam khiến chúng ta bị động.
Tỉ lệ ca mắc và tử vong tăng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến và đầu tiên chính là điều kiện để tiếp xúc với vaccine. Quý I và đầu quý II năm 2021 chúng ta không có vaccine - vũ khí cơ bản để chúng ta chiến đấu với dịch bệnh. Tuy nhiên đến giữa quý II và quý III với nguồn vaccine mà chúng ta chủ động tiếp cận để phổ cập cho người dân - cùng với quyết tâm, ý chí chống dịch, thích ứng linh hoạt với Nghị quyết 128 của Chính phủ, chúng ta đã dần dần kiểm soát được COVID-19. Đến giờ phút này, số ca đang xuống dốc, chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh ở mức độ giống như là một căn bệnh đặc hữu.
* Khi phát động chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 với mốc 150 triệu liều cho 70% dân số Việt Nam thì hầu hết giới khoa học và y bác sĩ đều khá bi quan và cho rằng chúng ta khó mà đạt được mục tiêu. Nhưng thực tế chúng ta đã làm được, hiện nay Việt Nam đã tiêm được hơn 200 triệu liều vaccine. Điều đó có phải nhờ chiến lược vaccine đúng đắn hay không thưa bác sĩ?
- Đúng vậy! Bản thân tôi vào thời điểm đó cũng nói rằng, đấy là điều gần như không thể, khó không khác gì đi lên trời. Ít nhiều trong giới chuyên gia rất bi quan về việc làm thế nào để tiêm được cho hàng triệu dân Việt Nam. Tuy nhiên, quý II và quý III năm 2021 chúng ta đã triển khai được vaccine rất tốt nhờ chiến thuật linh hoạt tuyệt vời. Chúng ta sử dụng chiến thuật ngoại giao vaccine bằng mọi hình thức, từ Chính phủ, Bộ Y tế và rất nhiều bộ ngành cũng hỗ trợ. Và hơn hết còn có sự ủng hộ của người dân như phong trào góp quỹ vaccine. Phải nói rằng đấy là một phong trào mang lại nhiều những giá trị nhân văn thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của người dân. Người dân sẵn sàng tiếp cận với vaccine, sẵn sàng chấp nhận vaccine.
Do vậy, tôi cho rằng chiến lược vaccine COVID-19 của Việt Nam là bằng mọi cách phổ cập cho người dân trên cơ sở ngoại giao vaccine và lấy niềm mong mỏi của người dân, sự sẵn sàng tiếp cận của người dân là nền tảng. Bằng chứng là đến bây giờ Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về bao phủ tiêm chủng vaccine COVID-19.
* Vậy bác sĩ có thể phân tích rõ hơn về vai trò của vaccine trong việc đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường?
- Thực tế đã chứng minh với biến thể Alpha, Delta độc lực mạnh, tỉ lệ mắc bệnh nặng rất cao nhưng nhờ vaccine COVID-19 đã khống chế giảm tỉ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong. Thời điểm tháng 9 năm 2021 chúng ta dần thích ứng với cuộc sống bình thường mới.
Tuy nhiên đến biến thể Omicron thì câu chuyện hoàn toàn khác bởi biến thể này lẩn tránh vaccine, lẩn tránh miễn dịch của những lần nhiễm trước và làn sóng Omicron bắt đầu khiến số ca tăng dữ dội nhất là giai đoạn từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 năm 2022. Tuy nhiên với nền tảng miễn dịch nhờ vaccine, chúng ta đã không đóng cửa mà vẫn duy trì cuộc sống bình thường mới. Đến giờ đỉnh dịch đã đi qua, số ca nặng và số ca tử vong trong thời gian vừa rồi giảm đi rất nhiều.
Ví dụ, Bệnh viện điều trị bệnh COVID-19 ở Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh nhưng công suất chỉ định giường bệnh gần 20% (chưa đến 100 bệnh nhân) và trong số này cũng chỉ khoảng 17 - 18 bệnh nhân nặng. Tại Hà Nội trung bình một ngày chỉ có khoảng 1 - 3 ca tử vong, thậm chí nhiều ngày liền không có ca tử vong. Ngoài ra, đa số người mắc ở mức độ bệnh nhẹ, không triệu chứng. Như vậy, chứng tỏ vaccine đến giờ phút này vẫn giữ nguyên giá trị.
Chúng ta đi qua đại dịch một cách bình tĩnh và không hề áp dụng phòng vệ nghiêm ngặt như trước đây. Những biện pháp chống dịch theo y tế công cộng đã giảm đi và nâng cao ý thức phòng vệ cá nhân. Tôi cho rằng đến nay không phải chúng ta duy trì bình thường mới nữa mà đang dần trở về trạng thái bình thường “cũ” như trước đây.
* Nhiều người cũng băn khoăn lo ngại rằng với khi đã tiêm quá 6 tháng kháng thể đã suy giảm. Vậy liệu sau này vaccine COVID-19 có được phát triển để tiêm định kỳ hằng năm như một số loại vaccine khác hiện nay hay không thưa bác sĩ?
- Chúng ta chưa biết được tính ổn định của virus như thế nào, nếu như SARS-CoV-2 chuyển sang dạng lây bệnh như cúm mùa thì một điều chắc chắn rằng tiêm vaccine thì sau đó vẫn lẩn tránh miễn dịch. Ví dụ, với biến thể Omicron tàng hình có khả năng lẩn tránh vaccine đã tiêm trước đó nên dẫn đến một tỉ lệ lây nhiễm khá cao....
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Bác sĩ Trần Văn Phúc hiện công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn. Anh từng là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Bác sĩ Phúc cũng thường được biết đến là một trong những "bác sĩ quốc dân" với trang Facebook “BS. TRẦN VĂN PHÚC” hiện có hơn 66.000 lượt theo dõi.