Vụ AIC: Trưởng bộ phận thư ký tài chính ra đầu thú
Ngày 28/8, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết Cơ quan điều tra vừa tiếp nhận Nguyễn Thị Thu Phương (trưởng bộ phận thư ký tài chính của Công ty AIC) ra đầu thú.
Đây là đối tượng liên quan đến sai phạm trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh. Theo Cơ quan điều tra, Phương về nước đầu thú để được xem xét, hưởng khoan hồng của pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành các biện pháp điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Thu Phương và các bị can khác.
Xem thêm: 'Xét xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cơ sở để dẫn độ tội phạm'
Xem thêm: Bộ Công an đề nghị làm rõ trách nhiệm các cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh
Nguyễn Thị Thu Phương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Do bỏ trốn khỏi nơi cú trú, Nguyễn Thị Thu Phương đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã. Mới đây Cơ quan điều tra ra quyết định đình nã đối với Nguyễn Thị Thu Phương.
Xem thêm: Anh em cựu Chủ tịch AIC bị đề nghị truy tố trong vụ án Sản - Nhi Quảng Ninh
Trước đó, Đỗ Văn Sơn (45 tuổi), cựu kế toán trưởng Công ty AIC cũng ra đầu thú sau thời gian trốn ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Chung nhận thêm 18 tháng tù
Sau 4 ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với ông Nguyễn Đức Chung và 14 bị cáo khác trong vụ nâng khống giá cây xanh.
Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị tuyên 18 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cộng với 12 năm tù của 3 bản án trước đó, tổng hợp hình phạt đối với ông Chung là 13 năm 6 tháng tù.
Xem thêm: Cựu chủ tịch Công ty Cây xanh khai bị ông Chung chửi, dọa đuổi việc
Xem thêm: 'Đến nhà tôi không dễ'
Hai bị cáo Vũ Kiên Trung, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (gọi tắt là Công ty Cây xanh); và Bùi Văn Mận, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Sinh Thái Xanh (gọi tắt là Công ty Sinh Thái Xanh), lần lượt lĩnh án 6 năm tù và 7 năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Xem thêm: Vận động viên bỗng thành giám đốc công ty 'ma'
12 bị cáo còn lại là cựu lãnh đạo, nhân viên Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng TP.Hà Nội)…, bị tuyên án từ 24 tháng tù treo đến 8 năm tù.
Xem thêm: Những đại gia từng được ông Nguyễn Đức Chung 'ưu ái'
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc các bị cáo thuộc Công ty Cây xanh và Công ty Sinh Thái Xanh liên đới bồi thường hơn 34 tỷ đồng cho UBND TP Hà Nội.
Đấu giá biển số xe bị hủy, nhiều người đòi lại tiền
Theo Vietnamnet, bức xúc vì phiên đấu giá biển số ô tô lần 1 thất bại, nhiều cá nhân tham gia đấu giá đã liên hệ để được hoàn cọc nhưng không được đơn vị tổ chức là Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam phản hồi.
Xem thêm: Khúc mắc chờ lời giải đáp sau phiên đấu giá biển số thất bại
Trước đó, sáng 22/8, khi bắt đầu phiên đấu giá đầu tiên loạt biển số ô tô đẹp, trang web của Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) - đơn vị tổ chức đấu giá trực tuyến biển số ô tô - đã lập tức bị "sập" và không thể truy cập được.
Xem thêm: Gặp lỗi liên tục, trang đấu giá biển số bị chê thiếu chuyên nghiệp
Xem thêm: Nhiều số xấu như 4953 được 'bê' vào kho biển số sắp đấu giá gây tranh cãi
Sau khi phiên đấu giá biển số lần thứ nhất thất bại, nhiều chủ xe mòn mỏi đợi Công ty đấu giá hoàn tiền cọc nhưng không thấy đành chủ động gửi thư điện tử để đòi tiền. Tuy nhiên, theo phản ánh của hầu hết các chủ xe, họ gọi điện, gửi mail nhưng phía Công ty vẫn im lặng và không có phản hồi cụ thể.
Xem thêm: Quan niệm biển ô tô đẹp - xấu chủ yếu do truyền miệng
Những cá nhân trên cho biết đã nộp đủ tiền để đấu giá nhưng đã giờ muốn đòi lại mà không liên lạc được, số hotline của đơn vị tổ chức không có người nghe, gửi email họ cũng không phản hồi dù trước đó phía công ty đã thông báo nếu không đấu trúng thì được hoàn tiền sau 3 ngày. VPA tự ý thay đổi, ra thông báo mới sau 16/9 mới có lịch đấu lại.
Khuyến cáo ôtô hạn chế qua cao tốc TP HCM - Long Thành dịp 2/9
Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Long Thành, khuyến cáo người dân chọn lộ trình khác, tránh bị ùn tắc dịp lễ 2/9.
Theo VEC E, sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe cách đây 4 tháng, lượng xe qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày càng tăng cao. Trong đó, đoạn từ An Phú đến nút giao với tuyến Dầu Giây - Phan Thiết bình quân mỗi ngày là 58.000-62.000 lượt, cao điểm tăng lên 70.000-73.000, vượt gần gấp đôi năng lực khai thác.
Đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Long Thành cũng khuyến cáo lái xe chú ý giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ xảy ra va chạm trên tuyến.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, đi qua TP HCM và Đồng Nai, khai thác giai đoạn một năm 2015, tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng. Những năm gần đây, tuyến thường quá tải các dịp cuối tuần và lễ, tết do lượng xe dồn đến rất lớn.
Cuối tháng 4, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, kết nối trực tiếp với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận được thông xe. Tuyến đường này giúp rút ngắn một nửa hành trình từ TP HCM đến Phan Thiết - Mũi Né còn khoảng 2-2,5 giờ
Hồi tháng 10/2022, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất tự bố trí 14.700 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe.
Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, du lịch bị cưỡng chế vì nợ thuế
Cục Thuế TP.HCM mới đây đã công bố danh sách 100 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền thuế nợ lên đến 7.861 tỉ đồng. Chiếm phần lớn trong số nợ này là các DN liên quan lĩnh vực bất động sản.
Có hai DN bất động sản nợ trên 1.000 tỉ đồng là Công ty CP đầu tư Golden Hill với số thuế nợ 1.289 tỉ đồng. Xếp thứ hai là Công ty CP địa ốc Sông Tiên với số thuế nợ hơn 1.010 tỉ đồng.
Xem thêm: Bãi bỏ ‘cấm’ vay vốn: Cuộc ‘đại phẫu’ thị trường bất động sản bắt đầu?
Xem thêm: 'Của để dành' của nhiều đại gia bất ngờ hao hụt sau 6 tháng
Nhiều công ty có tên tuổi khác cũng nợ thuế hàng trăm tỉ đồng như Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn nợ 616 tỉ đồng, Công ty CP Hưng Thịnh Land nợ hơn 555 tỉ đồng, Công ty CP Phát triển kinh doanh nhà 446 tỉ đồng, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cũng nợ thuế gần 300 tỉ đồng.
Xem thêm: Ngân hàng đã 'bơm' bao nhiêu tiền vào bất động sản?
trong danh sách này còn có Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi, Công ty CP đầu tư Danh Khôi Holdings, Công ty CP đầu tư và phát triển Sơn Kim..., trong đó Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh nợ thuế hơn 210 tỉ đồng, Tập đoàn Danh Khôi nợ 100 tỉ đồng còn Danh Khôi Holdings nợ 91 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư và phát triển Sơn Kim nợ thuế hơn 87 tỉ đồng.
Xem thêm: Doanh nghiệp bất động sản khó khăn, ngân hàng cũng... 'ngồi trên đống lửa'
Theo các DN bất động sản, từ sau dịch COVID-19 tình hình kinh doanh rất khó khăn. Dù DN đã áp dụng nhiều ưu đãi, giảm giá nhưng vẫn không bán được, khách hàng vẫn chờ mức giảm sâu hơn.
Dự kiến khó khăn còn kéo dài sang năm 2024 - 2025, DN này cho hay đang tìm mọi cách trả dần nợ thuế bởi nếu bị cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn thì không thể tiếp tục kinh doanh.
Xem thêm: 70% vướng mắc bất động sản liên quan pháp lý: Thực tế đang gỡ ra sao?
Các DN bị cưỡng chế thuế chủ yếu là do nợ thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Thông tin DN bị cưỡng chế cũng khiến không ít khách hàng tại các dự án đang triển khai dang dở lo lắng. Nhiều DN chậm bàn giao, phát sinh tranh chấp, nay chủ đầu tư vướng nợ thuế, hy vọng nhận sổ đỏ của khách lại càng xa vời.
Trong nửa đầu năm nay, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành 45.473 quyết định cưỡng chế thuế. Tổng số nợ thuế đã thu hồi được là 12.709 tỉ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần 93% thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1
Theo số liêu Bộ GD&ĐT cập nhật chiều 28/8, tỷ lệ thí sinh đỗ đại học trong đợt 1 đạt 92,7% trong số hơn 600.000 em đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay.
Năm nay, tổng số 660.028 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 chiếm 65,9%.
Sau quá trình lọc ảo và công bố điểm chuẩn các trường đại học, tỷ lệ 92,7% thí sinh trúng tuyển đợt 1 (tăng 7,9% so với năm 2022).
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, tuy tỷ lệ này của năm 2023 thấp hơn so với các năm trước, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực chất năng lực của thí sinh.
năm nay một số trường đại học vẫn sử dụng quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.
Để siết chặt hơn các năm tiếp theo, Vụ Giáo dục đại học yêu cầu các trường đại học sớm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 - 2024; xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.
Yêu cầu Đài Loan hủy diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình
Liên quan việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiều 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Phạm Thu Hằng, nêu rõ: "Việc tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này; đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".
Bà cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn vi phạm tương tự.
Đảo Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Đài Loan chiếm đóng trái phép.
Theo thông tin (chưa kiểm chứng) đăng trên Thời báo Đài Bắc, Đài Loan đã triển khai tên lửa chống thiết giáp Kestrel phát triển nội địa trên đảo Ba Bình để "tăng cường khả năng phòng thủ của đơn vị đồn trú và chống đổ bộ".
Truyền thông Đài Loan cho biết đóng trên đảo Ba Bình hiện nay là đơn vị cảnh sát biển thay cho lực lượng thủy quân lục chiến Đài Loan.