Nghiên cứu - được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu y tế Tây Ban Nha ISGlobal và tổ chức nghiên cứu y tế Pháp INSERM - về mối liên hệ giữa tần suất, thời gian bữa ăn và sự xuất hiện của bệnh tiểu đường tuýp 2. Có 103.312 người trưởng thành tham gia khảo sát này và trong đó, 79% là phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích về thói quen ăn uống của những người tham gia và phát hiện, những người ăn bữa sáng sớm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn tới 59%.
Trong quá trình này, các nhà nghiên cứu quan sát 963 trường hợp mới mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và phát hiện thêm, những người thường ăn sáng sau 9h có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng cân cao hơn so với những người ăn sáng trước 8h sáng.
Các nhà nghiên cứu ISGlobal cho rằng, từ góc độ sinh học, bỏ bữa sáng ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu và lipid trong máu cũng như nồng độ insulin. Điều này cho thấy, không ăn sáng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, ăn tối sau 22h làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng cân. Đồng thời, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và giảm cân.
Do đó, chúng ta nên ăn sáng trước 8h, ăn tối trước 19h để kiểm soát cân nặng và bảo đảm sức khỏe.