Năm 2010, các nhà khảo cổ học đã khai quật và tìm thấy chất lỏng trong một dụng cụ làm bằng đồng ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc.
Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng chất lỏng này chính là một loại rượu được chưng cất khoảng hơn 3.000 năm trước.
Chất lỏng này nằm trong một dụng cụ bằng đồng được tìm thấy tại Di tích Daxinzhuang ở thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, có niên đại từ cuối thời nhà Thương (năm 1600-1046 TCN). Các nhà khảo cổ học đã mất nhiều năm để có thể mở dụng cụ này, vốn bị gỉ sét.
Một mẫu chất lỏng đã được gửi đến Phòng thí nghiệm nghiên cứu quốc tế chung về khảo cổ học môi trường và xã hội tại Đại học Sơn Đông để thử nghiệm, kết quả xác nhận chất này có chứa ethanol - loại cồn được sử dụng phổ biến trong việc chưng cất rượu.
Theo nhà nghiên cứu Wu Meng, ngoài ethanol, rượu trái cây và rượu gạo lên men có chứa đường và protein. Tuy nhiên, không tìm thấy đường hay protein trong mẫu chất lỏng này, do đó có thể xác nhận đây là rượu chưng cất, không phải rượu lên men.
Ông Wu Meng cho biết, nguồn gốc rượu chưng cất của Trung Quốc luôn là chủ đề quan trọng trong nghiên cứu về lịch sử khoa học công nghệ và văn hóa rượu của đất nước này.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra đồ dùng chưng cất từ thời nhà Hán (202 TCN-220 SCN) tại nhiều địa điểm, cùng với rượu chưng cất từ cùng thời kỳ.
Những phát hiện gần đây cho thấy lịch sử sản xuất rượu chưng cất ở Trung Quốc có thể bắt đầu sớm hơn 1.000 năm so với thông tin trước đây./.