Ngộ độc thực phẩm tập thể: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn

13/05/2024 08:44

Việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết để đảm bảo an toàn cho người dân.

Thực phẩm bán trước cổng trường luôn tấp nập học sinh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

*Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe

Thực phẩm "bẩn" là một "thủ phạm" liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Trong thực phẩm "bẩn" chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, độc tố nấm, độc tố vi khuẩn… Những tác nhân này khi xâm nhập vào cơ thể ban đầu có thể gây các phản ứng tức thời như ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Về lâu dài, chúng có thể gây các bệnh mạn tính, đột biến gene, ung thư…, dẫn tới tử vong.

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn đã gây hoang mang cho người dân bởi ngộ độc thực phẩm không chỉ xảy ra ở các quán ăn đường phố mà còn ở các cơ sở giáo dục.

Mặc dù đã có nhiều quy định liên quan đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến, hàng quán kinh doanh, nhưng việc giám sát mọi khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm vẫn còn là vấn đề cần được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Điều này là cần thiết để phát hiện kịp thời những hành vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Có rất nhiều quán ăn, cửa hàng thực phẩm sử dụng hoá chất để bảo quản thực phẩm hoặc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Đáng báo động là những sản phẩm này thường được bán cho trẻ em, người lớn đôi khi cũng dễ dãi chấp nhận mua những sản phẩm ăn, uống hàng ngày cho con em mình mà không hoài nghi về độ an toàn.

Vì chạy theo lợi nhuận mà có những cửa hàng, bếp ăn rút gọn các khâu trong quy trình sản xuất. Nguyên liệu đầu vào thả nổi, không rõ xuất xứ, điều kiện chế biến, bảo quản bị hạn chế và không có các biện pháp đảm bảo vệ sinh khi bán hàng.

Nếu các tổ chức và cá nhân chỉ chú ý lợi nhuận mà không quan tâm đến an toàn thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, đặc biệt, khi người tiêu dùng phải đặt niềm tin vào “lương tâm” của người bán thì không khác gì “mò kim đáy bể”. Nếu không xảy ra sự cố thì chắc chắn các cửa hàng kinh doanh vẫn tiếp tục phục vụ người tiêu dùng những thực phẩm mất an toàn, không đảm bảo chất lượng.

*Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý

Một điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 44/CĐ-TTg của Thủ tướng, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó Công điện có nêu rõ Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố....

Bộ cần thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định; đồng thời tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó, Bộ nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị hệ thống y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh tăng cường liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Việc này cần tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Bộ Y tế lưu ý, việc tuyên truyền kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm cần chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương. Điều này nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm của cộng đồng.

Các đơn vị chức năng kiên quyết xử lý và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Bên cạnh đó, các nơi công khai hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải nâng cao ý thức trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Bằng cách này, mỗi người dân không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn góp phần thúc đẩy các nhà cung cấp tuân thủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đừng vì thuận tiện, tiết kiệm thời gian mà bỏ qua yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người bán phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng cũng như gìn giữ thương hiệu của mình. Việc duy trì uy tín và chất lượng sản phẩm chính là quyết định sự sống còn trong kinh doanh. Bất kỳ sai sót nào cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho chính uy tín, thương hiệu của người bán, từ việc mất lòng tin của khách hàng, mất thương hiệu, đền bù, thậm chí chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng bằng cách thúc đẩy các quy định và quy trình kiểm soát nghiêm túc và hiệu quả. Đặc biệt, trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường trực bởi nhiệt độ cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15/4 đến ngày 15/5) với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" vẫn đang diễn ra. Do đó, ngoài tuyên truyền về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục lập đoàn kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm ở địa phương để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngộ độc thực phẩm tập thể: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO