Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/6 cho biết, hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 4 tên lửa ATACMS của Mỹ viện trợ cho Ukraine nhắm vào bán đảo Crimea. Trong khi đó, một tên lửa phát nổ trên không.
Theo giới chức Nga, vụ tấn công khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, hơn 120 người bị thương.
Chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm cho biết các mảnh tên lửa đã rơi xuống gần một bãi biển ở phía bắc thành phố Sevastopol, nơi người dân địa phương đang đi nghỉ.
Đài truyền hình Nga đăng tải video cho thấy người dân hốt hoảng chạy khỏi bãi biển khi vụ tấn công xảy ra.
Các tên lửa được cho là có gắn đầu đạn chùm. Đạn chùm có khả năng phát tán hàng chục quả bom nhỏ hơn khi được kích nổ. Loại vũ khí này đã bị cấm ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Đức. Đạn chùm được cho là cực kỳ nguy hiểm đối với dân thường vì đạn thường trải rộng trên các khu vực rộng lớn và có thể tồn tại dưới lòng đất trong nhiều năm.
Cả Mỹ, Ukraine và Nga đều chưa ký Công ước về bom đạn chùm. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Sergei Shoigu cho biết Moscow sẽ không triển khai loại vũ khí này chống lại Kiev vì lý do nhân đạo. Mặt khác, ông cảnh báo Nga có thể đảo ngược chính sách này.
Tháng 7 năm ngoái, Mỹ thông báo sẽ cung cấp bom chùm cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi quyết định này là "rất khó khăn" nhưng có lý, cho rằng việc viện trợ cho Ukraine là cần thiết để thúc đẩy một cuộc phản công của Kiev. Mặc dù vậy, cuộc phản công này của Ukraine sau đó không đạt được kết quả như mong đợi.
Nga quy trách nhiệm cho Mỹ
Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, các chuyên gia Mỹ đã thiết lập tọa độ bay của tên lửa trên cơ sở thông tin từ các vệ tinh do thám của Mỹ, nghĩa là Washington phải "chịu trách nhiệm trực tiếp" về vụ tấn công này.
"Trách nhiệm về cuộc tấn công tên lửa có chủ ý nhằm vào dân thường ở Sevastopol, bán đảo Crimea trước hết thuộc về Mỹ, nước viện trợ vũ khí, và tiếp đến là Ukraine, lãnh thổ bắt nguồn vụ tấn công", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, Moscow sẽ đáp trả cuộc tấn công này, song không nêu chi tiết. Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã "liên lạc thường xuyên với quân đội" kể từ sau vụ tấn công ở Sevastopol.
Cả Ukraine và Mỹ hiện chưa bình luận về cáo buộc của Nga.
Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300km cho Ukraine từ đầu năm nay.
Ukraine trước đây đã cố gắng nhắm mục tiêu vào bán đảo Crimea bằng tên lửa ATACMS, đáng chú ý nhất là vụ tấn công hồi cuối tháng 5. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov cho biết, hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ tổng cộng 10 tên lửa ATACMS nhắm vào Crimea.
Kiev liên tục hối thúc Mỹ và các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa ATACMS. Ukraine đồng thời kêu gọi các nước này cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công những mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Một số nước đã "bật đèn xanh" cho Kiev, trong khi đó, Mỹ chỉ cho phép sử dụng những vũ khí nhất định để tập kích mục tiêu ở biên giới Nga, gần tỉnh Kharkov của Ukraine.