“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh

Trường Minh| 25/07/2021 11:51

Lần đầu tiên trong lịch sử, một đoàn tàu chở người mà lại chỉ chở duy nhất người quê Hà Tĩnh – trừ lái tàu”, một cán bộ Sở Y tế Hà Tĩnh nhắn lại đầy dí dỏm khiến không thể không bật cười.

Đêm 24/7/2021, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chuyến tàu đầu tiên đón 788 công dân từ TP.HCM trở về quê nhà, góp phần giảm tải cùng TP.HCM chống dịch. Ảnh: GVT.

Đêm 24/7/2021, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chuyến tàu đầu tiên đón 788 công dân từ TP.HCM trở về quê nhà, góp phần giảm tải cùng TP.HCM chống dịch. Ảnh: GVT.

20h45’ đêm 24/7, thực sự đã có một chuyến tàu như vậy xuất phát từ ga Sài Gòn. Hành trình xuất phát điểm đi là ga Sài Gòn, điểm dừng cuối cùng là ga Hương Phố (huyện Hương Khê) và ga Yên Trung (huyện Đức Thọ) , tỉnh Hà Tĩnh.

Thần tốc đón dân

15h30’ chiều ngày 24/7, đoàn xe công tác đặc biệt của tỉnh Hà Tĩnh mở đèn ưu tiên, theo đường Nguyễn Thông đi thẳng vào sân ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM).

Trước đó, đoàn công tác có nhiệm vụ đưa đón các công dân tỉnh Hà Tĩnh đang kẹt lại tại TP.HCM bởi dịch Covid-19 xuất phát từ Hà Tĩnh lúc 10h ngày 22/7, chạy một mạch vượt quãng đường 1.370km, tới TP.HCM cuối giờ chiều 23/7.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 1

Đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh có mặt từ 15h30' chiều 24/7 tại ga Sài Gòn để tổ chức đưa 788 công dân Hà Tĩnh lên tàu về quê. Ảnh: GVT.

Ngay trong đêm 23/7 đoàn đã tiếp cận đại diện Hội đồng hương các huyện có người đăng ký về quê; sáng 24/7 đã làm việc khẩn trương với lãnh đạo phía ga Sài Gòn để lên kế hoạch chi tiết.

Trên sân ga, từ trước đó rất sớm, lúc 14h chiều, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Phương Anh (SN 1995) đã ngồi chờ tới giờ lên tàu. Từ huyện Kỳ Anh, sau Tết nguyên đán, Phương Anh cùng chồng và con trai Nguyễn Minh Quân (SN 2019) vào TP.HCM, rồi vượt phà Cát Lái qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) làm việc.

Rồi dịch Covid-19 bùng phát, đang là giáo viên mầm non, chị Phương Anh mất việc đã nhiều tháng nay. Chồng chị làm công nhân của công ty Hisun ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch là nguồn thu nhập còn lại duy nhất để cả gia đình trông cậy.

Khó khăn chồng chất khó khăn vì dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, khi nghe tin Hà Tĩnh tổ chức đón công dân từ Sài Gòn trở về quê, chị đăng ký ngay qua Hội đồng hương.

Trên sân ga Sài Gòn chiều muộn ngày 24/7, hai mẹ con trùm kín trong hai bộ đồ phòng hộ màu lam, ngồi một góc cửa chờ tới giờ nhận vé lên tàu.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 2

Ba của Minh Quân không thể ra ga tàu tiễn hai mẹ con. Ảnh: GVT.

Khuôn mặt giấu kín sau lớp khẩu trang và tấm kính chắn giọt bắn, đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn dòng người lỉnh kỉnh túi xách, va ly mỗi lúc một đông đang trật tự xếp hàng theo danh sách từng huyện, thị trở về.

Ba của Minh Quân không thể ra ga tàu tiễn hai mẹ con, bởi chiều nay anh còn phải vào ca.

Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải gửi tâm thư ngày 15/7/2021 ngỏ lời “tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa công dân Hà Tĩnh có nhu cầu trở về quê nhà”, chỉ trong một tuần, mọi công tác chuẩn bị hoàn tất.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 3

Chuyến tàu đầu tiên ưu tiên đón các công dân nhỏ tuổi, phụ nữ có thai, người già và những bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: GVT.

Hơn 10.000 công dân Hà Tĩnh đang lưu trú, làm ăn ở TP.HCM đã đăng ký danh sách thông qua các hội đồng hương.

Chuyến tàu đầu tiên mang số hiệu SE14 xuất phát từ ga Sài Gòn đêm 24/7 chở theo 788 công dân Hà Tĩnh có một điểm đến dừng cuối cùng: tỉnh Hà Tĩnh. Công dân từ 13 huyện, thị xã, thành phố trở về tỉnh này được chia thành 13 nhóm theo các huyện, lên 13 toa tàu.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 4

Những hành khách này sẽ được cách ly tập trung tại các huyện ở Hà Tĩnh. Công dân ở cùng một huyện sẽ lên cùng một toa. Ảnh: GVT.

Tại ga Hương Phố (huyện Hương Khê) tàu sẽ dừng để trả công dân hai huyện Hương Khê, Vũ Quang; tại ga Yên Trung (huyện Đức Thọ) tàu sẽ dừng trả hành khách là công dân các huyện, thị còn lại.

Các toa tàu sẽ được mở lần lượt tại mỗi điểm dừng để xe đưa đón tới từ các huyện đón công dân của huyện mình, tiến hành khử khuẩn, tiếp nhận và đưa thẳng về các địa điểm cách ly.

Tất cả các công dân trở về từ TP.HCM sẽ được cách ly tập trung tại địa điểm mà các huyện đã bố trí sẵn. Tỉnh Hà Tĩnh cho biết chi phí đi lại, xét nghiệm Covid-19 của toàn bộ công dân trở về quê nhà sẽ hoàn toàn được miễn phí.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 5

Những công dân nhí của Hà Tĩnh về từ TP.HCM được trang bị rất cẩn thận lẫn chuyên nghiệp trước khi lên tàu. Ảnh: GVT.

“Xin giúp cho con của cháu lên tàu. Cháu ở lại Sài Gòn”

Sơn tới muộn. Cái áo khoác màu xanh của xe ôm công nghệ không lẫn vào đâu được giữa rợp bóng áo lam bảo hộ y tế đang phủ khắp sân ga. Đã hơn 7h đêm, Sơn tất tả xách ba lô quần áo trẻ con, va ly người lớn chạy một mạch vào khu vực đang có cánh tay giơ cao tấm biển ghi tên “Can Lộc”.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 6

Gia đình Sơn đến rất muộn, nằm trong danh sách dự phòng nhưng may mắn vợ con anh đã được ưu tiên lên tàu. Ảnh: GVT.

Đó là khu vực tập trung của những công dân về huyện Can Lộc đã đăng ký. Tấm biển ghi tên huyện cũng được viết vội ngay trên sân ga bằng bút dạ lên tấm bìa chiều cùng ngày, bởi không kịp đặt in. Vợ Sơn ôm đứa con nhỏ mới hơn một tuổi tất tả chạy theo.

Rồi hai vợ chồng lặng lẽ lùi lại xếp xuống cuối hàng, ngẩn ngơ chờ đợi. Trò chuyện vội, Sơn thật thà kể rằng hai vợ chồng vào Sài Gòn làm ăn. Sơn hằng ngày làm nghề chạy xe chuyển hàng vải cho chủ, vợ đi giúp việc nhà.

Dịch bệnh bùng phát, từ sau Tết đến nay thì vợ mất việc, chỉ còn ở nhà trông con. Nhà thì đi ở trọ, 3 miệng ăn, nhất là sữa bỉm cho đứa nhỏ chỉ còn trông cậy vào những chuyến xe chuyển hàng phập phù phụ thuộc vào đơn đặt của khách qua app điện thoại.

Khi có thông tin Hà Tĩnh cho tàu hoả đón công dân trở về, Sơn đăng ký ngay cho vợ và con, nhưng chỉ lọt vào danh sách dự phòng nếu có người bỏ chuyến.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 7

Viết vội tên huyện lên tấm bìa các tông ngay tại sân ga để tập hợp bà con, bởi thời gian gấp quá không kịp in ấn. Ảnh: GVT.

Một cán bộ Y tế trong đoàn công tác đứng bên nghe Sơn kể, khẽ hỏi tên vợ con Sơn rồi lẳng lặng đi vào phía tấm biển có cánh tay giơ cao “Can Lộc”. Một lúc sau, có tiếng gọi rõ to: “Hoàng Thị Hà đâu? Ai là Hoàng Thị Hà?”.

Vợ Sơn đang ẵm đứa nhỏ vội vàng trao con vào tay chồng, tất tả chạy lên: “Cháu đây… Cháu đây”. Sơn ôm chặt con mà ánh mắt cứ ngoái theo hướng vợ chạy, phập phồng hy vọng: “Cháu chỉ xin cho vợ con cháu lên được tàu. Cháu ở lại Sài Gòn. Một mình cháu ăn uống sao cũng được, còn vợ con cháu thì chịu khổ lâu quá rồi”.

Hà quay lại rất nhanh sau đó, một tay đón lại con từ chồng, tay còn lại chìa cho Sơn thấy tấm vé lên tàu. Hai vợ chồng ôm chầm lấy nhau như vớt được tấm phao hy vọng.

Cán bộ y tế lúc nãy đi ngang, vỗ vai Sơn với đôi mắt đang cười sau lớp khẩu trang: “Chúc hai mẹ con về nhà khoẻ nhé”.

Tiếng Sơn run run, đôi mắt ngân ngấn nước: “Cháu cám ơn các chú, các bác nhiều ạ”, rồi hối hả nhặt hành lý, dắt vợ con hướng về phía cửa đi của nhà ga.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 8

SE14 là chuyến đầu tiên. Hơn 10.000 công dân người Hà Tĩnh hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM đã đăng ký về quê. Ảnh: GVT.

Tới 20 đêm 24/7, vẫn còn 12 hành khách kẹt lại, xếp hàng ngay ngắn chờ đợi tấm vé vớt cuối cùng. Vẫn còn những hành khách trong danh sách chính thức chưa tới trong khi ngoài đường ray số 1, tàu SE14 đã bắt đầu kéo còi. Tiếng loa phóng thanh vang khắp sân ga giục giã hành khách có vé sớm lên tàu.

Thượng tá Nguyễn Chiến Thắng (Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh) quay qua Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, trưởng đoàn công tác) trao đổi nhanh: “Giờ tính sao Tâm? Các cháu nó cũng trả phòng trọ rồi, giờ quay lại cũng không được nữa”. “Anh cứ an tâm. Mình đợi một lúc nữa, rồi sẽ giải quyết cho lên tàu hết thôi. Đợi đến sát giờ đi, lỡ có bà con nào đó gặp trục trặc dọc đường”.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 9

Những hành khách lên tàu rất muộn trước giờ tàu chạy. Ảnh: GVT.

Đèn đêm sân ga đã sáng từ lâu. 20h30’, nhóm 12 hành khách cuối cùng chờ đợi đồng loạt nhận vé lên tàu. Những cánh tay bọc trong đồ bảo hộ vẫy chào những người ở lại Sài Gòn để tổ chức tiếp những chuyến tàu sau, rồi đi khuất về phía cổng kiểm soát vé.

Đó là những sinh viên còn kẹt lại; những thanh niên theo học và làm việc tại TP.HCM suốt nhiều ngày qua đã tham gia tình nguyện hỗ trợ chống dịch cùng thành phố dưới nhiều hình thức; và cả những người đã tận tuỵ phối thuộc với các bên liên quan để tổ chức chuyến tàu nghĩa tình đầu tiên đưa hơn 788 công dân về Hà Tĩnh lần này.

“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh ảnh 10

Ngơ ngác tại sân ga Sài Gòn khi thấy nườm nượp người giấu kín mình trong bộ đồ phòng hộ màu lam, cháu bé này khó có thể hình dung ra mình là hành khách nhí trên chuyến tàu đặc biệt trong đời di chuyển về quê giữa khi dịch Covid-19 đang bùng phát. Ảnh: GVT.

20h45’ đêm 24 tháng Bảy năm 2021, tàu SE14 kéo hồi còi dài chào ga Sài Gòn, xình xịch lăn bánh. Những cán bộ đoàn công tác vừa vào từ Hà Tĩnh nán lại nhìn con tàu đi khuất. Lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi, dù ga Sài Gòn vào đêm đã trở gió lạnh.

Đã 5 tiếng đồng hồ họ phải làm việc không ngơi nghỉ để tổ chức hoàn tất một chuyến tàu đầy yêu thương góp phần giảm tải cùng TP.HCM chống dịch.

10h đêm cùng ngày, bữa cơm tối muộn tại nơi lưu trú là bữa cơm đầu tiên đoàn công tác đang ở lại được ăn ngon miệng trong nhiều ngày qua, khi con tàu SE14 đang ngược ra phía Bắc Trung Bộ, còn điện thoại của Trưởng đoàn Nguyễn Lương Tâm thì liên tục réo vang nghe báo cáo tình hình hành khách của cán bộ y tế đi cùng tàu./.

Theo viettimes.vn
https://viettimes.vn/chuyen-tau-lich-su-don-cong-dan-tu-sai-gon-thang-ve-ha-tinh-post148485.html
Copy Link
https://viettimes.vn/chuyen-tau-lich-su-don-cong-dan-tu-sai-gon-thang-ve-ha-tinh-post148485.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
“Chuyến tàu lịch sử” đón công dân từ Sài Gòn thẳng về Hà Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO