Tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đươc tổ chức sáng 19/4, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Để triển khai, đánh giá Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 86.000 phiếu, trong đó, có 36.095 phiếu của người dân; 50.109 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp tại bộ, cơ quan, địa phương.
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ có 3 nhóm. Trong đó, chỉ số cải cách hành chính trên 90% gồm 2 đơn vị là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.
11 bộ khác có chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao là những đơn vị chỉ số cải cách hành chính dưới 80%.
Trong khi đó, kết quả Chỉ số cải cách hành chính 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm.
Nhóm A là những địa phương có chỉ số từ 90% trở lên, gồm Quảng Ninh và Hải Phòng.
Nhóm B là địa phương đạt chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C đạt kết quả chỉ số từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố.
Năm 2022, Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính. Đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân. Đứng sau Quảng Ninh là Hải Phòng. Với kết quả này, Hải Phòng đã lần thứ 10 liên tiếp nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính.
"Đội sổ" bảng xếp hạng cải cách hành chính năm 2022 là Phú Yên với chỉ số đạt gần 76%. Xét trong chu kỳ 5 năm gần nhất, kết quả cải cách hành chính của tỉnh Phú Yên cũng khá khiêm tốn khi luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và cũng có 2 lần đứng cuối bảng xếp hạng.
Đưa ra nguyên nhân của việc nhiều bộ, ngành, địa phương còn có chỉ số cải cách hành chính thấp, Bộ Nội vụ cho biết do một số địa phương có lãnh đạo quản lý các cấp còn sai phạm trong thực thi công vụ dẫn đến phải xử lý kỷ luật, hình sự.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị tại địa phương sai phạm trong thực hiện các quy định về quản lý tài chính - ngân sách; việc số hóa giấy tờ, hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Về kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy 5 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và Thanh Hóa. Ở chiều ngược lại, Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn và Lạng Sơn là 5 tỉnh có mức độ hài lòng thấp nhất.
Chỉ số cải cách hành chính mới được ban hành bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp bộ và cấp tỉnh.
Trong đó, Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 31,50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Các tiêu chí được đánh giá dựa trên phương pháp định lượng kết hợp với định tính, có sự tham gia thẩm định của các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai từng nội dung cải cách hành chính.