Tiết kiệm nhưng hại sức khỏe
Rời xa gia đình để đến thành phố học tập, nhiều bạn sinh viên phải đối mặt với vấn đề quản lý chi tiêu khi có hàng trăm thứ cần chi mà số tiền được gia đình chu cấp có hạn. Với thu nhập có hạn, nhiều bạn tìm cách tiết kiệm tiền, để dành cho những việc mình thấy cần thiết. Tuy nhiên, không phải cách tiết kiệm nào cũng lành mạnh và hiệu quả, đặc biệt là khi liên quan tới chế độ ăn uống.
Sống trong ký túc xá, chi phí thuê phòng cả năm học đã được thanh toán ngay từ đầu năm học, mỗi tháng được bố mẹ chu cấp 3 triệu, nhưng tháng nào H.T.T.L (Sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) cũng phải ăn mì gói vài ngày đến cả tuần vì thiếu trước hụt sau.
“Mặc dù không phải đóng tiền phòng vào mỗi tháng nhưng những chi phí khác cũng rất nhiều. Một phần ăn rẻ cũng 25 nghìn, một ngày 3 bữa là 75 nghìn, một tháng chỉ riêng tiền ăn thôi đã hơn 2 triệu. Có thể không cần mua mỹ phẩm nhưng đồ skincare thì không thể thiếu được. Còn chưa kể đến các chi phí khác như đi xe buýt, tiền wifi, tiền điện, tiền nước, coffee học bài,... Nếu mà không ăn mì gói thì không đủ chi tiêu. Có tháng mặc dù đã cắt giảm chi phí ăn uống, nhịn ăn sáng, ăn hai bữa một ngày hoặc ăn mì gói cả tuần nhưng vẫn hụt tiền”, L chia sẻ.
Để mua sắm những thứ mình yêu thích, nhiều bạn sinh viên cũng không ngần ngại cắt giảm chi phí ăn uống để tiết kiệm tiền. Ngoài tiền chu cấp hằng tháng từ gia đình, cộng với số tiền kiếm được từ việc làm thêm thế nhưng N.T.C (Sinh viên năm 3, trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM) không tránh khỏi việc hạn chế tiền ăn uống để tiết kiệm tiền.
“Mình ở trọ nên tháng nào cũng phải đóng tiền trọ. Đâu chỉ tiền tiền ở, mình còn phải chi trả các khoản tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền wifi, tiền rác, dịch vụ này kia kia nọ nữa. Ở trọ cũng cần mua sắm nhiều thứ, tháng nào cũng tốn không ít. Mình mua sắm quần áo và mỹ phẩm khá nhiều, tháng nào cũng tốn tầm 2 triệu đến 2,5 triệu. Các khoản khác thì cố định rồi, không thể cắt bớt được nên mình cắt bớt tiền ăn", C kể.
Vì ở trọ, tự do nấu ăn nên nữ sinh dễ quản lý việc mua và trữ thực phẩm. “Mình săn đồ hạ giá cuối ngày ở các siêu thị, bảo quản trong tủ lạnh. Cuối tháng mà gần hết tiền thì có thể ăn trứng luộc hoặc rau luộc với cơm. Mặc dù cũng trữ mì gói nhưng mình cũng hạn chế sử dụng, lâu lâu dùng để ăn sáng hoặc lúc túng thiếu lắm mới sử dụng đến”, C cho hay.
Những cuộc hẹn tụ tập cùng bạn bè trên đại học cũng trở thành áp lực với nhiều bạn sinh viên. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít bạn chọn cách ăn uống tạm bợ để tiết kiệm cho những cuộc vui.
“Đi hoài thì hết tiền nhưng không đi thì mình lại sợ không quen được bạn bè, sợ bị bỏ lại trong những cuộc chơi sau nên lúc nào mình cũng đau đầu với chuyện này. Chi phí bố mẹ cho mỗi tháng khá dư giả nhưng lúc nào đi chơi cũng tốn vài trăm nghìn, đầu tháng còn thoải mái được chứ giữa tháng hay gần đến cuối tháng là mình phải bắt đầu tiết kiệm tiền ăn.
Ví dụ, tối nay có hẹn đi chơi với bạn thì mình sẽ nhịn ăn hoặc ăn mì gói để dành tiền cho buổi tối. Hôm nào tốn nhiều quá thì đến hai ba hôm sau vẫn phải làm bạn với mì gói. Hôm nào không học buổi sáng thì mình ngủ tới trưa, đỡ tốn tiền ăn sáng”, H.T.K.T (Sinh viên năm 4, trường ĐH KHXH và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) tâm sự.
Hệ lụy của nhịn ăn sáng, ăn mì gói
Không thể phủ nhận, một trong những giải pháp được nhiều sinh viên lựa chọn để tiết kiệm tiền chính là nhịn ăn sáng, hoặc chỉ ăn mì gói thay cho bữa ăn chính. Tuy nhiên, việc nhịn ăn sáng hoặc chỉ ăn mì gói không tốt cho sức khoẻ của sinh viên. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động suốt ngày dài. Nếu nhịn ăn sáng, sinh viên sẽ có nguy cơ bị suy nhược, thiếu chất, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh liên quan tới dạ dày, tiêu hoá.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi tiến sĩ Leah Cahill đến từ trường Y Tế Cộng Đồng thuộc đại học Harvard, nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch nhiều phần lớn đó là nhịn ăn sáng. Bên cạnh đó, nhịn ăn sáng cũng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, hay ảnh hưởng tới tâm trạng và hiệu quả học tập. Ngoài ra, khi đói quá lâu, cơ thể sẽ phải dự trữ mỡ để duy trì hoạt động, làm tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường
Còn nếu chỉ ăn mì gói, sinh viên cũng không thể đảm bảo được dinh dưỡng cân bằng cho cơ thể. Mì gói là một loại thực phẩm chế biến sẵn, có hàm lượng muối và chất bảo quản cao, có thể gây hại cho gan, thận, tim mạch. Ăn nhiều mì gói khiến cơ thể nạp thêm quá nhiều carbohydrate cùng chất béo. Lượng chất béo có hại cho cơ thể chiếm 1/2 hàm lượng chất béo trong một gói mì. Hàm lượng chất béo và calo trong cơ thể tăng cao là nguy cơ gây béo phì, các bệnh liên quan khác như: tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp,…
Lượng muối trong mì ăn liền khá cao, ngoài gói gia vị thì bản thân sợi mì đã được ướp với rất nhiều muối. Muối làm tăng lượng canxi trong máu và niệu đạo, làm giảm khả năng hòa tan các oxalat và urat trong niệu quản. Đây là nguyên nhân chính gây ra sỏi thận.
Sợi mì ăn liền sau khi chiên qua dầu sẽ được sấy khô, điều này khiến dạ dày phải tăng cường hoạt động để tiêu hóa, lâu ngày dẫn đến đau dạ dày, rối loạn chức năng, đầy hơi, khó chịu,…. Chưa kể, các chất phụ gia, hương liệu, bột ngọt, chất bảo quản trong mì gói cũng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, ruột, làm giảm sút vị giác và ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng.
Ngoài ra, mì gói cũng không chứa đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Mì gói không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, như vitamin A, vitamin C, vitamin B12,... Điều này dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch và khả năng học tập.
Vậy nên, sinh viên nên có một chế độ ăn uống khoa học và hợp lý, không nên nhịn ăn sáng hoặc chỉ ăn mì gói để tiết kiệm tiền. Có nhiều cách để tiết kiệm tiền mà không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, như chọn những món ăn rẻ, bổ, tự nấu ăn tại nhà, hay tránh mua những thứ không cần thiết.
Cân bằng các khoản chi tiêu
Ý thức được tầm quan trọng của việc ăn uống đủ chất, P.N.U.T (Sinh viên năm 3, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) luôn biết cách cân bằng giữa các khoản chi để tránh ăn mì gói.
“Mình lập kế hoạch chi tiêu cho bản thân từ đầu tháng. Xem xét những khoản nào cần chi phải chi tiền ra từng phần. Mình không cắt xén tiền ăn, thay vào đó mình chọn cách đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập.
Hạn chế các buổi tụ tập bạn bè không cần thiết. Thay vì ra quán nước ngồi học bài thì bạn có thể học ở phòng tự học. Bởi vì tài chính có hạn nên chỉ mua những thứ mình cần chứ không mua những thứ mình thích. Ngoài ra, mình cũng bỏ ống heo. Lúc bỏ thì thấy ít vậy thôi chứ lúc heo đầy rồi đập ra thì cũng mua được kha khá thứ”, T chia sẻ cách tiết kiệm của bản thân.
Sinh viên nên có một kế hoạch chi tiêu hợp lý, cân đối giữa thu nhập và chi phí, để không phải lo lắng về vấn đề tài chính. Bởi vì, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, không nên đánh đổi vì những lợi ích ngắn hạn.