Đề xuất người 16-18 tuổi điều khiển xe máy điện phải có giấy phép lái xe

Hoài Thu| 15/03/2024 15:11

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tha thiết đề nghị quy định phải có giấy phép lái xe với trẻ 16-18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện.

Quan điểm này được Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đưa ra khi góp ý về dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/3.

Đề nghị cấm xe scooter, vali điện tham gia giao thông

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, bổ sung quy định về giấy phép hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện đối với trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi, điều khiển xe máy dưới 50cm3 hoặc xe điện.

Trong đó, ông tha thiết đề nghị với trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện, phải có giấy phép lái xe.

Đề xuất người 16-18 tuổi điều khiển xe máy điện phải có giấy phép lái xe - 1

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng (Ảnh: Phạm Thắng).

Dẫn số liệu thống kê năm 2023, ông Hùng cho biết có khoảng 2.300 trẻ em dưới 18 tuổi chết và bị thương do tai nạn giao thông, trong đó, khoảng 1.000 trẻ em chết, phần còn lại là bị thương.

"80% nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, đa số là các cháu tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn", theo ông Hùng, đây là một khoảng trống.

Dự thảo Luật hiện nay quy định trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn, song ông Hùng băn khoăn: "Không biết hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn ở đây là theo quy định nào, ai quy định?".

"Lực lượng CSGT đến hướng dẫn có chứng chỉ về đào tạo hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn không, có đủ điều kiện hay không?", ông Hùng đặt vấn đề.

Theo ông, trong trường hợp này nếu lại giao cho cơ sở giáo dục THPT sẽ quá tải vì không có cơ sở vật chất để tổ chức việc này.

"Chúng tôi tha thiết đề nghị chương trình đào tạo phải sát hạch như giấy phép lái xe A1 và phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy. Hiện nay, chúng ta đã xã hội hóa rất mạnh và hoàn toàn có thể làm", ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng cũng nhắc đến "vấn nạn" xe  scooter và vali điện tham gia giao thông. "Chúng tôi đã nhận thấy có đối tượng dùng phương tiện này tham gia giao thông trên đường phố, lạng lách, đánh võng rất nguy hiểm. Vì vậy, nếu không đưa vào luật và không quy định, phải nghiêm cấm phương tiện này tham gia giao thông trên đường phố công cộng", ông Hùng nêu quan điểm.

Thực tế đã có song ông Hùng cho biết do không quy định nên lực lượng chức năng không biết sẽ xử lý đối tượng này theo chế tài nào. Vì vậy, ông đề nghị ghi rõ cấm các loại phương tiện này tham gia giao thông công cộng.

Làm rõ đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông

Trong dự thảo Luật trật tự, An toàn giao thông đường bộ quy định "Lực lượng Cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70%  khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Trung ương, để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đây là đề xuất mới tại dự thảo. "Nếu bổ sung như vậy, Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động, làm rõ tác động đến ngân sách Nhà nước như thế nào", theo ông Tùng.

Đề xuất người 16-18 tuổi điều khiển xe máy điện phải có giấy phép lái xe - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Phạm Thắng).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích, vấn đề xử phạt vi phạm hành chính là một nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều 83 Luật này nêu rõ: Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

"Việc đầu tư cho lực lượng cảnh sát giao thông, cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Nhưng đầu tư theo cách trích từ tổng số tiền thu được trong lĩnh vực này hay ngân sách Nhà nước bố trí theo quy định chung, tôi nghĩ cần làm rất rõ, rất rành mạch và phải bảo đảm sự thống nhất", ông Tùng góp ý.

Theo ông, nếu quy định như dự thảo là không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

"Chúng ta có rất nhiều lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này quy định trích phần trăm, còn các lĩnh vực khác thì không?", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề.

Ông đề nghị nên thiết kế nguyên tắc chung về chính sách như dự thảo luật Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6.

Ngoài ra, ông Tùng cho rằng việc trích 30% từ nguồn thu đấu giá biển số xe cũng không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định toàn bộ số tiền xử lý tài sản công (biển số xe là tài sản công) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước. Sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại phải được nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.

Bản thân Điều 37 dự thảo Luật này (quy định về đấu giá biển số xe) cũng quy định khác, nêu rõ "số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí được nộp vào ngân sách Trung ương".

Ông Tùng đề nghị giải trình làm rõ thêm theo tinh thần nên giữ như dự thảo đã trình tại kỳ họp thứ 6.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất người 16-18 tuổi điều khiển xe máy điện phải có giấy phép lái xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO