Hàng loạt chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thống nhất khi bấm nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, chiều 9/11.
Mục tiêu tổng quát được Quốc hội nhấn mạnh là ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng trưởng GDP 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ
Trong các chỉ tiêu được thông qua, Quốc hội thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD; chỉ số giá tiêu dùng tăng 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động 4,8-5,3%...
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu rõ một số quan điểm cho rằng bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước năm 2024 tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, khó đoán định, việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng 5-6%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải trên cơ sở ước thực hiện GDP năm 2023 dự kiến đạt trên 5% và dự báo bối cảnh thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong điều hành cần chủ động hơn để có thể đạt kết quả ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở, động lực và các điều kiện để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6,5%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn, song khẳng định cũng có nhiều thuận lợi, thời cơ như các động lực tăng trưởng được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng tiếp tục được tập trung xử lý hiệu quả; những dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh…
"Đây là những tiền đề, yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khoảng 6-6,5%, nhằm đạt được cao nhất mục tiêu cả giai đoạn 5 năm 2021-2025", theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
12 nhóm giải pháp
Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, nghị quyết của Quốc hội đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Với nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, Quốc hội lưu ý thúc đẩy tiến độ đầu tư, bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000km vào năm 2025.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông - Tây, Quốc hội đề nghị nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Trong hoàn thiện, xây dựng bộ máy, Quốc hội yêu cầu khẩn trương sáp nhập huyện, xã; quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quốc hội cũng đề cập nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024; rà soát, hoàn thiện chính sách tiền lương, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia; có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đặc biệt, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ cần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP): 6,0-6,5%.
2. GDP bình quân đầu người: 4.700-4.730 USD.
3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP: 24,1%-24,2%.
4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI): 4-4,5%.
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: 4,8%-5,3%.
6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội: 26,5%.
7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ 28%-28,5%.
8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị: dưới 4%.
9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.
10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.
11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.
12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.
13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.
14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.