Sáng 14/8, VietNamNet đăng tải thông tin về anh T.M.G (ngụ Cà Mau) định đặt thi thể con vào thùng xốp và bắt xe khách về quê vì cạn kiệt tiền bạc. Trước đó, anh đã thuê xe cấp cứu với giá 16 triệu đồng để đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vào ngày 5/8, tuy nhiên bé không qua khỏi.
Chiều cùng ngày, trao đổi với VietNamnet, ông Lê Hồng Sơn, đại diện Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt, đơn vị nhận vận chuyển cấp cứu bệnh nhi trên, cho biết ông đã nắm thông tin về vụ việc. Cá nhân ông cảm thấy "trong lòng hơi buồn".
Ông Sơn cho rằng một chuyến xe cấp cứu từ TP.HCM về Cà Mau để đón bệnh nhi đến viện an toàn, với đầy đủ trang thiết bị, điều dưỡng, bác sĩ, máy thở oxy… thì 16 triệu đồng là chi phí hợp lý, không cao, không phải “chặt chém”. Bệnh nhi cũng được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM an toàn.
Cũng theo vị đại diện này, công ty không có chi nhánh ở Cà Mau. Khi người dân liên hệ dịch vụ, xe phải đi từ TP.HCM về khoảng 5-6 giờ. Trong trường hợp này, gia đình bệnh nhi đồng ý với giá công ty đưa ra, cũng không nói hoàn cảnh khó khăn, có hợp đồng thỏa thuận, công ty cũng không ép buộc người dân.
“16 triệu là giá hợp lý”, ông Sơn nhấn mạnh nhiều lần. Ông cho rằng nếu gia đình bệnh nhi nói trước có hoàn cảnh khó khăn, công ty sẽ giảm hoặc miễn phí vận chuyển. "Chúng tôi vẫn giúp đỡ những trường hợp khó khăn nhưng người nhà không nói thì sao chúng tôi biết", ông giải thích.
Trả lời câu hỏi “công ty có phải báo cáo về giá dịch vụ vận chuyển cho Sở Y tế TP.HCM – đơn vị cấp phép hay không”, ông Sơn cho biết đây là giá của công ty. "Nếu công ty có vi phạm, Sở Y tế sẽ rút giấy phép. Nếu chúng tôi ép buộc người dân rồi đòi 16 triệu đồng, khi đó mới là vi phạm và bị pháp luật xử lý. Từ Cà Mau lên TP.HCM mà đòi 50, 70 triệu đồng mới là cắt cổ", đại diện đơn vị vận chuyển nói.
Theo Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, hiện nay, chưa có quy định áp dụng chung đối với dịch vụ xe cấp cứu. Nhiều gia đình bệnh nhân nghèo gặp khó khăn với phí dịch vụ vận chuyển cao ngoài khả năng kinh tế.
Tình trạng này khiến người dân có thể phải lựa chọn xe taxi, xe khách, xe dù thay vì xe cấp cứu đủ cơ sở vật chất và nhân sự trong quá trình vận chuyển. Khi đó, người dân sẽ không được hưởng dịch vụ y tế một cách đầy đủ và an toàn nhất. Ngoài ra, nếu chi phí vận chuyển cấp cứu quá cao, người dân có thể sẽ không lựa chọn đến bệnh viện đúng tuyến, đạt chất lượng và giảm cơ hội được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao.
Ông Hùng đánh giá Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần kết hợp để đưa ra một mức giá khung, mức giá ngạch đối với giá dịch vụ xe cấp cứu ngoài bệnh viện. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, thẩm định cơ sở khám chữa bệnh, xe cấp cứu đảm bảo điều kiện khi lưu thông, cung cấp dịch vụ, tránh xảy ra tình trạng xe trôi nổi, giả xe cứu thương để trục lợi. Từ đó, xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về giá dịch vụ xe cấp cứu.
"Trong trường hợp cấp thiết nhưng cần phải thỏa thuận giá dịch vụ trước khi sử dụng, người dân nên ưu tiên các xe cấp cứu của bệnh viện rồi mới cân nhắc đến dịch vụ cấp cứu tư nhân khác", ông Hùng nói.
Trước đó,vợ của anh T.M.G sinh con khi thai mới 23 tuần tuổi tại một bệnh viện ở Cà Mau. Bé rất yếu vì sinh non. Anh G. muốn đưa bé lên TP.HCM để có cơ hội điều trị tốt hơn. Bác sĩ đã cho anh số điện thoại liên hệ xe cấp cứu.
Một người phụ nữ nhận điện thoại và báo giá 16 triệu đồng. Anh G. phải chuyển khoản trước 50%, khi xe đến bệnh viện, anh phải đưa thêm 50% còn lại.
Gia đình khó khăn, anh phải vay mượn thêm họ hàng để đủ tiền thuê xe đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vào ngày 5/8. Do tình trạng nặng, bé qua đời ngày 8/8.
Anh G. ôm thi thể con xuống nhà đại thể làm thủ tục, không còn tiền mua quan tài. Người ở nhà đại thể khi biết hoàn cảnh của người đàn ông này đã liên hệ Phòng công tác xã hội. Sau đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hỗ trợ quan tài cho bé và chuyến xe miễn phí đưa 2 cha con về quê nhà Cà Mau.
"Bệnh viện không nói tôi cũng không biết mình đã thuê xe với giá quá cao như vậy", anh G. chia sẻ.