Trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 vừa qua, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp cùng Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa, địa chỉ tại phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên, Đoàn kiểm tra phát hiện 7,800 kg thực phẩm đông lạnh các loại là nội tạng động vật chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng, không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa đúng theo quy định, trị giá hàng hóa vi phạm là 558,300,000 đồng căn cứ giá niêm yết trên sản phẩm.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong những dịp lễ tết, nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm của người dân thành phố tăng cao. Lợi dụng tình hình đó, một số đối tượng vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân đã cố tình đưa ra thị trường các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, ảnh hưởng an toàn sức khỏe và thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng của người sử dụng.
Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho hay luôn tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đảm bảo ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Ngành y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm hơn trong việc cho mua thức ăn đảm bảo vệ sinh, nhất là trong tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) khuyến cáo:
- Chọn lựa sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn.
- Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch.
- Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
- Ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
- Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại.
- Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn.
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
- Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
- Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...
- Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
- Phản ánh cho các đơn vị chức năng nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.