Tết Nguyên đán cận kề: chuẩn bị hàng hóa cho thị trường ra sao

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)| 27/12/2022 17:05

Việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân đang được gấp rút triển khai khi Tết Nguyên đán Quý Mão cận kề.

Nhu cầu hàng hóa tăng từng ngày

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đánQuý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.

Ước, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.

Tại một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., Uỷ ban nhân dân tỉnh một số tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động…

Một số địa phương tiếp tục linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường (BOTT) như mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện BOTT. Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện chương trình bình ổn thị trường, UBND một số địa phương tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện BOTT như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay, tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm năm 2022 tương đối thuận lợi, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu dồi dào nên bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Theo Bộ Tài chính, tình hình giá cả hàng hóa nói chung hiện không có diễn biến bất thường, lạm phát đang trong giới hạn kiểm soát của Chính phủ. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chỉ đạo các Sở Tài chính địa phương triển khai các biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết.

TP.HCM: Không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường dịp Tết Quý Mão 2023

Sở Công Thương TP.HCM cho hay sẽ triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó doanh nghiệp tham gia thương trình bình ổn thị trường các mặt hàng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chủ động nguồn hàng, cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký; đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố. Giữ cố định, không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường từ ngày 23/12/2022 đến ngày 19/2/2023.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá trước và sau Tết, đặc biệt các ngày cận Tết để người dân có điều kiện vui xuân, mua sắm Tết, ưu tiên tập trung khuyến mại các mặt hàng thiết yếu chuẩn bị Tết. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường thực hiện và chấp hành đầy đủ các quy định của chương trình về công tác trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá quy định.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch dự trữ, cung ứng nguồn hàng phong phú, dồi dào phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Đồng thời, phối hợp doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu trong những ngày cận Tết và sau Tết.

Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh, không tồn trữ, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng công suất hoạt động, tăng thời gian phục vụ trong thời điểm cận Tết khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến; khuyến khích các đơn vị mở cửa bán hàng từ sáng mùng 2 Tết hoặc sớm hơn.

Hàng việt "áp đảo" tại hệ thống các siêu thị thời điểm cận Tết Nguyên đán 2023

Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, thời điểm này, một số hệ thống siêu thị lớn như: Mega Market, Big C, Hapro Mart, Co.opmart, Winmart, Intimex… đã hoàn tất công tác phục vụ hàng Tết. Đáng chú ý, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị này năm nay vẫn chiếm ưu thế.

Cụ thể, các sản phẩm đã có tên tuổi và uy tín, chất lượng, trở thành thương hiệu thân quen như: Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên chiếm ưu thế tại các siêu thị và được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn cho giỏ quà tết của mình. Đặc biệt, hàng Việt hiện nay đã tích cực cải tiến mẫu mã phong phú và đa dạng mà vẫn giữ giá cả phù hợp, trong đó, nhiều sản phẩm Made in Vietnam đang trở thành người bạn tin cậy của các khách hàng tiêu dùng nội địa.

Khảo sát mới đây của Bộ Công Thương cho thấy hiện hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60-96%. Đại diện AEON Việt Nam cam kết nghiên cứu các danh mục sản phẩm phong phú hơn, phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án: “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài” mà Bộ Công Thương ký hợp tác (MOU) với Tập đoàn AEON. Theo đó, AEON sẽ lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống AEON tại Việt Nam làm mục tiêu.

Với chuỗi siêu thị GO!, Tops Market, đại diện Central Retail cho biết, trong 10 năm qua, Central Retail Việt Nam đã thực hiện các chương trình quảng bá hàng Việt, bao gồm các hoạt động tăng cường sản phẩm nội địa. Hiện nay, trên 90% doanh số đến từ hàng nội địa và hàng sản xuất trong nước. Cùng đó, doanh nghiệp cũng thúc đẩy thu mua nông sản tại các vùng miền địa phương, đặc biệt ưu tiên thu mua tại vùng miền địa phương gần vị trí siêu thị; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã. Các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam luôn được ưu tiên tại các vị trí trưng bày tốt trong siêu thị và được miễn phí thuê quầy kệ; tạo điều kiện cho thương hiệu hàng Việt Nam phát triển qua hệ thống bán lẻ của Central Retail tại 40 tỉnh thành trên cả nước.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tết Nguyên đán cận kề: chuẩn bị hàng hóa cho thị trường ra sao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO