Vật vã đòi nợ
Sau khi chia tay người yêu, Lê Hải - 25 tuổi, TPHCM - buồn thì ít mà lo thì nhiều. Anh luôn canh cánh về khoản trả góp hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, kéo dài trong 1 năm, cho số tiền gần 25 triệu đồng đã dùng để mua quà tặng sinh nhật người yêu cũ.
“Tôi chưa từng mua món đồ nào đắt tiền cho bản thân, nhưng người yêu cũ liên tục gợi ý quà sinh nhật, hứa hẹn rằng tôi tặng trước, rồi cô ấy sẽ trả góp sau, nên tôi đã mua trả góp bằng thẻ tín dụng của mình” - Hải nói.
Cho rằng một mối tình trải qua 3 năm là đủ chín muồi để đi đến hôn nhân, Hải đồng ý mua tặng người yêu cũ 1 tai nghe giá hơn 5 triệu đồng. Các món quà khác như đồng hồ và vài đồ công nghệ lặt vặt, người yêu cũ của Hải hứa sẽ chuyển tiền trả lại cho anh mỗi tháng, chỉ nhờ anh mua giúp mà thôi. Nào ngờ, nhận quà chưa được bao lâu, Hải phát hiện người yêu có mối quan hệ mập mờ với nhiều người khác giới trong công ty.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
“Khi tôi muốn làm rõ mọi chuyện, cô ấy lại cáu gắt, đổ lỗi ngược cho tôi và quyết định chia tay” - Hải nhớ lại. Sau nhiều lần níu kéo không thành, Hải chấp nhận kết thúc mối tình và an tâm khi người yêu cũ hứa hẹn: “Mỗi tháng đúng hẹn, em sẽ chuyển tiền trả góp, anh yên tâm”.
Ở kỳ trả góp đầu tiên, Lê Hải phải tự bỏ tiền túi. Sang tháng thứ hai, người yêu vẫn không chuyển tiền, khiến anh ôm cục nợ. “Mấy cái hộp hàng tôi còn giữ đây, mới trả nợ được 3 tháng, còn tận 9 tháng nữa” - Hải chia sẻ. Lúc đầu, người yêu cũ còn xem tin nhắn của Hải và hứa hẹn. Sau đó cô phớt lờ và dọa: “Anh còn làm phiền nữa là em chặn đấy”. Đến nước này, Hải tung chiêu cuối: “Nếu em không trả, anh sẽ đăng chuyện mình lên mạng xã hội”, quyết tâm đòi lại tiền.
Tương tự, Bích Trâm - 28 tuổi, TP Thủ Đức, TPHCM - cũng khổ sở đòi nợ người yêu cũ với khoản tiền hơn 20 triệu đồng. Cô cho hay: “Số tiền đó là tôi trả tiền thuê phòng, điện nước suốt mấy tháng anh ấy thất nghiệp và cả tiền vé xe về quê ăn tết. Lúc chia tay, anh ta hứa sẽ trả nợ dần khi có lương”.
Tuy nhiên, cả năm nay, tháng nào cô cũng nhắn tin, gọi điện đòi nợ, nhưng chỉ nhận được lời hứa suông: “Chừng nào có tiền, anh trả”. Dù không thích nói nhiều lần về một vấn đề, Trâm vẫn kiên quyết đòi lại tiền vì quan niệm “tiền bạc sòng phẳng, ái tình phân minh”.
Tung hê lên mạng
Đức Tấn - 29 tuổi, TPHCM - vừa kết thúc mối tình kéo dài 1 năm. Với nhiều người, chia tay là một tâm trạng khó chịu nhưng phải ráng chịu. Riêng đối với Tấn, anh chọn cách trút hết bầu tâm sự bằng cách nói xấu người yêu cũ trong nhóm chat với bạn bè, xem đó như là cách giảm bớt gánh nặng trong lòng.
Tấn kể, từ lúc tán tỉnh đến khi yêu chính thức, anh luôn phải đoán ý người yêu để chiều lòng. “Có hôm đang 11g đêm, cô ấy than đói bụng, thèm cơm tấm khuya. Thế là tôi mua hộp đem qua tận tay, nhưng cô ấy lại đổi ý, không ăn vì sợ mập. Tôi dỗ dành, năn nỉ cỡ nào cũng không nhận nên đành đem về để dành mai ăn sáng” - anh viết.
Vì được Tấn chiều chuộng, người yêu cũ được nước lấn tới. Từ chuyện bắt anh đội mưa giữa đêm để mua trà sữa, đến việc giận hờn vô cớ, khiến Tấn luôn phải nhún nhường trong mối quan hệ. Căng thẳng hơn, anh còn đem chuyện người yêu cũ ra ngoài thì lộng lẫy, xịt nước hoa thơm phức nhưng “ở nhà thì hôi” để viết lên mạng nhằm… giải tỏa tâm trạng buồn.
Đồng hồ, tai nghe xịn mua trả góp bằng thẻ tín dụng của anh Lê Hải bỗng trở thành khoản nợ khó thu hồi từ người yêu cũ - Ảnh: Thành Vũ |
Trong mắt Dương Phùng - 30 tuổi, TPHCM - sau khi chia tay, cô mới thấy người yêu cũ không có điểm gì tốt. Nhớ lại những ấm ức không vui trong quá trình quen nhau, Dương Phùng không cam tâm để bụng mà quyết phải xả hết ra ngoài.
Vì cả hai có nhiều bạn bè chung, cô thường xuyên đăng status bóng gió kiểu “Nói phong long, ai nhột thì ráng chịu”, “Tôi phải có trách nhiệm cảnh báo người yêu tiếp theo của anh ta”, “Đừng ai dại dột đi vào vết xe đổ của tôi”... Người quen đọc được bài đăng thì bình luận đồn đoán, còn cô thì ỡm ờ úp mở, thả like, thả tim để tương tác.
Còn Đỗ Ngọc - 27 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long - thì lại vô cùng hối hận vì đã trót phơi bày tất cả cơn giận của mình với người yêu cũ trên mạng xã hội. Tức giận vì bị người yêu phản bội, cô không tiếc lời rủa sả, nói xấu người cũ liên tục trên trang cá nhân suốt gần 1 tháng, còn tag cả bạn bè, người thân của anh này vào.
Chuyện xảy ra đã hơn 1 năm. Đến nay, khi cô có đối tượng mới, vừa tỏ tình thì nhận được lời từ chối. Thì ra người mà Ngọc để ý cũng là bạn trên Facebook của người cũ. Từng chứng kiến cơn thịnh nộ của Ngọc khi tình cảm không thành, anh này quá sợ, không dám nhận lời yêu cô gái như cô.
Giữ lòng tự trọng, đừng để cảm xúc chi phối Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long - giảng viên ngành tâm lý học, Trường đại học Mở TPHCM - giải thích: theo cơ chế tự vệ, ai cũng muốn bảo vệ bản thân nên rất sợ bị người khác tấn công (công kích, nói xấu...) nên họ thường sử dụng phương án “tấn công trước” để không bị rơi vào thế bị động. Chính vì thế, nhiều người thường có hành vi xúc phạm, nói xấu hoặc cố tình kể về những sai lầm của đối phương trong lúc yêu nhau để một mặt tự bảo vệ bản thân, mặt khác là cơ hội để đưa mình lên và hạ thấp, đổ lỗi cho đối phương. Điều này gây ra những hậu quả khó lường, bởi ai cũng có cơ chế tự bảo vệ mình nên không ai dễ dàng tấn công người khác. Vì thế, cách ứng xử đúng là hãy im lặng và giữ cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Ngoài ra, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long cho rằng, trong mọi mối quan hệ, điều cốt yếu là cần giữ lòng tự trọng. Trong lúc buồn, khổ sở hậu chia tay, nhiều người trẻ có xu hướng bộc lộ cảm xúc của mình một cách công khai, đặc biệt là trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc nói xấu hay “đá đểu” người yêu cũ không chỉ làm tổn thương người xưa mà còn làm giảm giá trị của chính người đi nói xấu. Hãy giữ lòng tự trọng và im lặng hoặc nếu phải chia sẻ để tìm sự đồng cảm, chỉ nên tâm sự với những người thân thiết, thay vì công khai trên mạng xã hội. Về vấn đề tiền bạc, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long khuyên các bạn trẻ cố gắng giải quyết minh bạch chuyện tài chính sau khi chia tay. Nếu có những khoản nợ tiền bạc giữa 2 người, hãy giải quyết rõ ràng và minh bạch. Đừng để tiền bạc trở thành cái cớ để tiếp tục gây rắc rối cho nhau. Hãy cố gắng giải quyết dứt điểm trong hòa bình, thậm chí nhờ sự hỗ trợ từ bên thứ ba, nếu cần. “Các bạn trẻ nên rút kinh nghiệm từ lần yêu đương này để làm bài học, chờ đợi mối tình kế tiếp. Chia tay là cơ hội để bạn tập trung vào bản thân mình, khám phá những sở thích mới, học hỏi những điều mới mẻ và cải thiện bản thân. Thay vì đắm chìm trong quá khứ, hãy dành thời gian và năng lượng để phát triển cá nhân” - tiến sĩ Nguyễn Hữu Long nói. |
Thành Vũ