Trong quá trình tu tập, người thực hành phương pháp tĩnh tâm còn phải biết vượt qua những tấm màn vô minh mới sử dụng được các giác quan tinh thần. Khi tập trung tâm thức quán chiếu vào bên trong, người thực hành sẽ gặp phải những chướng ngại rất lớn bởi sự khơi dậy của các hạt giống nằm sâu trong tàng thức, trong thiền tập, đây gọi là “ma cảnh”.
Có năm loại ma cảnh tương ứng với năm yếu tố cấu tạo thân xác: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Người tu thiền khi đạt đến mức tập trung tư tưởng, kiềm chế được vọng tưởng, tiến sâu vào tâm thức thì các hạt giống nằm sâu trong đó sẽ phát động, hiện ra những điều lạ lùng khiến người tu tập dễ sa ngã. Nếu đó là những hình ảnh hay màu sắc thì đó là ma cảnh hay ảo giác của sắc (form). Nếu đó là những cảm giác vui buồn, hoan lạc sung sướng thì đó là ma cảnh hay ảo giác của thọ (feeling). Nếu đó là những khả năng như thấy được quá khứ, nhìn được tương lai, bay trên không trung thì đó là ma cảnh hay ảo giác của tưởng (thinking). Nếu đó là những nhận xét về sự biến chuyển sinh và diệt, đến và đi, thấy mọi vật hoạt động ra sao, thì đó là ma cảnh hay ảo giác thuộc về hành (mental formation). Nếu nhận thức mọi vật rõ rệt, việc gì cũng biết, trí óc tự nhiên thông minh sáng suốt rồi thì nghĩ rằng mình đã thành công, đã trở thành một “đấng” nào đó hay “thần linh” thì đó là ma cảnh hay ảo giác thuộc về thức (conciousness).
Qua các trải nghiệm hết sức rõ ràng, những chi tiết về các kiếp sống trong quá khứ và qua nhiều trải nghiệm thì tôi biết rằng đó hoàn toàn không phải là tự kỷ ám thị. Tôi cũng đã hỏi ông Kris về việc này và ông Kris đã xác nhận rằng tôi đã từng tu tập cùng ông ấy trong bốn kiếp sống tại Ấn Độ và Tây Tạng, khi đó cả hai chúng tôi đều là tu sĩ. Qua công phu lúc đó, tôi đã phát triển được định lực rất sâu, khai mở được các giác quan tinh thần nên nhớ được tiền kiếp. Tuy nhiên, dù đã tu hành trong những kiếp sống đó, nhưng vì những nhân duyên phức tạp từ trước nên tôi vẫn phải trở lại để trả nghiệp quả. Khi đầu thai, trừ những bậc tu hành cao thâm thì phần lớn mọi người đều u mê, không còn nhớ gì nữa. Biết thế nên từ kiếp sống trước tôi đã phải nhờ ông Kris giúp để phục hồi những khả năng này và để tiếp tục con đường tu tập khi xưa.
Chúng ta cũng nên biết, bộ óc vật chất của con người chỉ được cấu tạo trong kiếp sống hiện tại và chỉ hiện diện trong kiếp sống ấy – khi chết thì nó tan rã. Do đó, không ai có thể nhớ được những sự kiện đã xảy ra hàng trăm hay hàng ngàn năm về trước. Tuy nhiên, tất cả mọi sự đều được lưu trữ trong tàng thức và nếu đi sâu vào tâm thức đó, người ta có thể biết được các kiếp xưa. Có lẽ anh cũng biết, đôi khi có những hình ảnh lạ lùng nào đó xuất hiện trong tâm chúng ta, nhưng ta lại không thể nhớ đó là gì. Thật ra, đó chỉ là ảnh hưởng của những giác quan tinh thần phát động mà thôi. Đôi khi đến một nơi chốn xa lạ nào đó hay nhìn thấy hình ảnh một thắng cảnh hoặc địa danh nào, tự nhiên anh cảm thấy quen thuộc như đã từng đến đó rồi. Đó chính là những ký ức rời rạc, phát xuất từ giác quan tinh thần mà nhiều người vẫn gọi là Déjà vu. Nó là những chủng tử nằm sâu trong tàng thức đang phát động, nhưng dĩ nhiên anh không thể biết gì hơn vì bộ óc vật chất của anh lúc nào cũng quay cuồng bởi nhiều ý nghĩ khác nhau nên đã che lấp hiện tượng trên. Muốn nhớ về các kiếp quá khứ, cần phải phát triển một sự tập trung cao độ để đào sâu vào tâm thức vì điều này đòi hỏi thời gian để khai mở các giác quan tinh thần.
Lược trích Muôn kiếp nhân sinh 3 l Nguyên Phong