Cá chứa nhiều chất dinh dưỡng như đạm, omega-3, vitamin, khoáng chất,.... Đây là món ăn tốt cho người bị bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ. So với đạm từ các loại thịt, đạm từ cá dễ hấp thu, tốt cho hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, chất béo trong cá cũng là nguồn dinh dưỡng quý vì đây là chất béo không no, tốt cho sức khỏe, giúp bạn tăng cholesterol HLD tốt cho mạch máu, thu gom cholesterol xấu (LDL). Cá còn chứa các axit amin, phosphatid, serebrorid, sterid... tham gia vào quá trình chuyển hóa tế bào, màng tế bào.
Tuy nhiên, khi ăn cá, cần lưu ý những bộ phận cần loại bỏ thật sạch tránh ngộ độc, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa:
Não cá
Theo bác sĩ Khuê Tường, não cá là nơi chứa nhiều chất béo có lợi cho cơ thể, ăn vào có vị béo ngậy rất ngon. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều não cá vì đây là bộ phận chứa nhiều kim loại từ môi trường, nhất là với cá lớn sống lâu năm tích tụ nhiều thủy ngân, dễ gây ngộ độc.
Mang cá
Đây được xem là bộ phận bẩn nhất của cá. Mang cá giống với phổi của động vật, là cơ quan hô hấp và chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng. Đặc biệt, đối với các loại cá sống ở các vùng nước ô nhiễm kim loại nặng thủy ngân, mang cũng trở thành nơi lưu trữ những độc tố này.
Việc ăn phải mang cá chứa độc tố có thể khiến chất độc tích tụ vào cơ thể, lâu dần gây bệnh tật. Nên loại bỏ sạch sẽ phần mang cá dù không ăn nhưng nếu không loại bỏ thì khi nấu các chất chất độc hại cũng hoà vào chung.
Màng đen, trắng ở bụng cá
Thành phần của lớp màng đen này là chất béo, lysozyme và các vi khuẩn độc hại. Khi sơ chế, nếu bạn không làm sạch phần này sẽ cảm thấy mùi tanh khi ăn. Do đó, không nên ăn lớp màng đen này vì không có nhiều giá trị dinh dưỡng và có thể gây hại cho sức khỏe.
Ruột cá
Đây là cơ quan tiêu hóa, chứa các chất cặn bã. Ruột cá có thể chứa vi sinh vật sống dưới nước hoặc ký sinh trùng như trứng sán, trứng giun và giun xoắn. Nếu cá bị ươn, ruột nhanh chóng phân hủy gây nhiễm độc cho thịt cá.
Khi chế biến, bạn nên bỏ ruột, gan. Một số loại cá lớn như cá lăng, cá giò người ta giữ lại ruột cá. Tuy nhiên, bạn nên làm thật sạch cặn bã bám ở lòng cá và tuyệt đối chế biến chín kỹ, ăn lòng khi cá còn tươi.
Mật cá
Cơ quan này không chỉ gây ra vị đắng mà còn có thể có độc. Cá càng to mật càng độc. Nhiều người quan niệm nuốt mật cá tốt cho sức khỏe, hay thậm chí là pha chung với rượu để uống nhưng đây là quan niệm sai lầm.
Đã có không ít trường hợp bị ngộ độc thực phẩm vì uống rượu mật cá. Mật cá chứa 5α Cyprinol dẫn tới ngộ độc, suy thận, thậm chí tử vong.