Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp tổ sáng 5/6, với nhiều ý kiến quan tâm đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Phương án Chính phủ trình lên Quốc hội quy định nhiều nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có: Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hộ gia đình nghèo và cận nghèo; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức…
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội là Ủy ban Pháp luật cho biết có một số ý kiến đề nghị sửa quy định theo hướng "công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội".
Quy định này nhằm bảo đảm công bằng đối với người lao động có thu nhập thấp nói chung, không phân biệt là làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.
Quan điểm này theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Nguyễn Hữu Toàn, quy định như vậy là chưa hợp lý vì đã loại bỏ hàng loạt trường hợp cũng cần hưởng chính sách nhà ở xã hội.
"Thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng đã đóng thuế thu nhập cá nhân và còn phải lo rất nhiều thứ như cho con cái ăn học, lấy đâu tiền mua nhà. Những người đóng góp cho xã hội mà lại bị loại ra khỏi đối tượng được hưởng cơ chế thì cần cân nhắc", ông Toàn nêu ý kiến.
Chung góc nhìn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu thực tế có những trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng lại không đủ sống.
"Có người có thể vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng họ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM với tiêu dùng đắt đỏ, trong khi giá nhà cao, người dân không đủ tích lũy để trở thành đối tượng được hưởng cơ chế mua nhà ở xã hội", nữ đại biểu phản ánh thực tế.
Theo bà, nếu quy định người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được hưởng chính sách nhà ở xã hội là không phù hợp.
Bà phân tích thêm hiện nay, giá các mặt hàng tiêu dùng và chi phí sinh hoạt đều tăng, gây áp lực rất lớn cho người dân trong chi tiêu chứ chưa nói đến việc mua nhà, đặc biệt ở các thành phố lớn. Do đó cần mở rộng đối tượng được hưởng cơ chế hỗ trợ nhà ở xã hội để gia tăng cơ hội tiếp cận với những người thu nhập thấp.