Lương thấp, bác sĩ trẻ nghỉ viện công, chấp nhận đền bù tiền để sang viện tư làm

29/08/2023 17:31

Nhiều bác sĩ bệnh viện công chấp nhận đền bù phí đào tạo để nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện tư làm việc nhằm cải thiện cuộc sống vì thu nhập thấp, nhiều áp lực.

Nghỉ việc vì lương không đủ sống

Chị Trần Thị Cúc (34 tuổi) vừa quyết định nghỉ công tác, chuyển sang viện tư sau 11 năm gắn bó với một bệnh viện công lập hạng đặc biệt tại Hà Nội.

Từng tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Hà Nội, sau khi ra trường, chị Cúc xin về bệnh viện công top đầu cả nước để công tác, lấy chứng chỉ hành nghề.

Những năm đầu đi làm, mức lương của chị khá bèo bọt chỉ với gần 4 triệu đồng/tháng, trong đó phải bỏ ra 2 triệu đồng/tháng cho chi phí đào tạo lấy chứng chỉ hành nghề tại bệnh viện.

Hoàn thành khoá đào tạo lấy chứng nhận hành nghề, chị được nhận vào làm chính thức tại bệnh viện với mức lương cơ bản theo quy định gần 5 triệu đồng/tháng.

Chị Cúc phụ trách công việc xét nghiệm sinh hoá, sau 11 năm công tác thu nhập của chị tăng từ hơn 5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng. Để đủ chi phí sinh hoạt, chị thường xuyên đăng ký tăng ca, xung phong làm thêm cuối tuần để thêm phụ cấp.

Cật lực làm việc như vậy nhưng mỗi tháng tổng thu nhập của nữ bác sĩ trẻ cũng chỉ hơn 10 triệu đồng - chỉ đủ tiền sinh hoạt, tiền học cho con.

Lương thấp, bác sĩ trẻ nghỉ viện công, chấp nhận đền bù tiền để sang viện tư làm - 1

Cách đây hai năm, chị và chồng mua nhà trả góp. Hiện số lương của chồng dùng để trả nợ ngân hàng và đóng học cho con đầu. Lương của chị để dùng cho tiền ăn uống của gia đình 5 người, tiền bỉm sữa, thuốc thang.

“Sau khi chi trả hết các khoản tôi gần như trắng tay”, chị Cúc nói. Hàng tháng chị đều phải tranh thủ bán hàng online để có thêm đồng ra đồng vào, phòng lúc con ốm đau, gia đình có việc hiếu hỉ. Mang danh là bác sĩ viện tuyến trung ương nhưng không ít lần chị phải đi vay bạn bè nếu lỡ có việc đột xuất xảy ra trong tháng trước kỳ lương.

Chị Cúc hiện sống cùng chồng và 2 cô con gái (7 tuổi và 2 tuổi). Chị ít khi được gần con vì thường xuyên phải trực đêm, đi công tác và học nâng cao tay nghề.

Nhiều ngày con ốm đau chị không thể chăm sóc vì vướng lịch trực ở viện. Liên tiếp nhiều đồng nghiệp của chị nghỉ việc, các mẫu xét nghiệm dồn về ngày càng nhiều, chỉ có thêm chứ không bớt.

Trước kia phòng chị tổng 20 biên chế, nay chỉ còn lại 9, kể cả lãnh đạo. Do đó, những ngày cuối tuần, lượng bệnh nhân đến khám đông, thường xuyên phải hẹn ngày mai mới lấy được kết quả, vì nhân lực không đủ thực hiện, làm xuyên ngày, xuyên đêm cũng không thể xong.

Quá bận rộn, việc chị thường xuyên vắng nhà vào cuối tuần và dịp nghỉ lễ là chuyện bình thường như cơm bữa. Cường độ làm việc cao, thu nhập không đáp ứng được cuộc sống ở thành phố, nhiều lúc chị xảy ra mâu thuẫn với chồng vì vấn đề kinh tế trong gia đình.

Trong khi bạn bè cùng khoá có phòng khám riêng, hoặc làm việc tại viện tư với số lương lên đến 40, 50 triệu đồng, chị Cúc vẫn loay hoay với cuộc sống nuôi hai con nhỏ giữa thủ đô.

Mới đây nhận lời mời của một viện tư, sau nhiều ngày suy nghĩ bàn bạc cùng chồng, chị Cúc quyết định xin nghỉ việc, chuyển sang viện tư để có thu nhập tốt hơn dù vẫn luyến tiếc thời gian công tác tại viện công.

“Thu nhập tại nơi làm mới của tôi gấp đôi, trong khi lượng công việc tương đương, thậm chí ít hơn so với viện công”, chị Cúc nói.

'Yêu nghề nhưng lương thấp thì khó gắn bó'

Cùng chung quyết định rời viện công về viện tư, Nguyễn Thị Mai, 30 tuổi ở TP.HCM vừa chấp nhận đóng phạt gần 50 triệu đồng tiền phí đào tạo để chấm dứt hợp đồng sau 4 năm làm việc.

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với tấm bằng giỏi, chị Mai xin vào làm ở bệnh viện công lập hạng I của TP.HCM.

Ban đầu khi ứng tuyển, chị phải cam kết sau thời gian học việc có cấp chứng chỉ hành nghề, sẽ ở lại làm việc cho bệnh viện 36 tháng liên tiếp, không bao gồm 18 tháng học việc. Nếu nghỉ việc, sẽ phải trả lại phí đào tạo cho bệnh viện.

Giữa năm 2020, Mai được cấp chứng chỉ hành nghề, trở thành bác sĩ chính nhận lương bác sĩ hạng 3 với tổng thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp khoảng gần 9 triệu đồng, tính cả tiền trực đêm.

“Số lương được cải thiện rất nhiều, nhưng trừ chi phí thuê nhà, thì tôi chẳng còn lại được bao nhiêu”, chị Mai nói và cho biết để có thêm thu nhập nhiều bác sĩ ra mở phòng khám, bản thân chị không có điều kiện nên chỉ có thể đi làm thuê cho họ.

Mỗi ngày chị Mai làm việc tại viện 8 tiếng, sau đó tiếp tục làm việc tại phòng khám thêm từ 6 đến 8 tiếng tuỳ ngày. Thời gian làm việc lên tới 15 tiếng, trong khi tổng thu nhập của chị chưa đến 20 triệu đồng.

Cường độ công việc cao, khiến nữ bác sĩ trẻ quê gốc Tiền Giang mệt mỏi, không còn thời gian tìm hiểu, lập gia đình.

Ở tuổi 30 chị Mai vẫn độc thân vì cả ngày chỉ biết làm việc. Chưa kể nhiều lần đi làm bị người nhà bệnh nhân mắng chửi, ý kiến vì lượng bệnh nhân quá đông không thể một lúc khám chữa cho nhiều người.

Lương thấp, bác sĩ trẻ nghỉ viện công, chấp nhận đền bù tiền để sang viện tư làm - 2

“Đứng giữa nhiều áp lực, đầu năm nay, tôi quyết định ra viện tư làm. Không giấu lý do chính để tôi nghỉ việc là thu nhập thấp. Tôi không thể tiếp tục làm ngày 15, 16 tiếng để có thu nhập 20 triệu đồng. 5 năm qua, tôi không có cả thời gian cho gia đình và cũng cần phải lập gia đình, dành thời gian cho con cái”, chị Mai tâm sự.

Sau khi nộp đơn nghỉ, chị phải đền bù gần 50 triệu đồng cho bệnh viện, số tiền này đều vay mượn từ bạn kèm người thân, "số tiền dành dụm trong 5 năm đi làm không đủ".

Không chỉ Mai mà đồng nghiệp của chị có người từng bỏ ra hơn 100 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng đền bù phí đào tạo để nghỉ việc. Môi trường làm việc quá áp lực cộng thêm thu nhập thấp khiến nhiều bác sĩ vô cùng mệt mỏi, họ lựa chọn môi trường viện tư để có mức thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra.

“Dù bạn yêu nghề thế nào nhưng lương thấp thì cũng khó mà gắn bó”, chị Mai ngậm ngùi tâm sự.

Làn sóng nghỉ vẫn tiếp tục

Ngày 10/8, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM từng công bố, trong 8 tháng đầu năm 2023, TP.HCM ghi nhận có 547 viên chức ngành y tế nghỉ việc. Trong số này, 202 bác sĩ, 239 điều dưỡng, ngoài ra còn có hộ sinh, điều dưỡng, kỹ thuật y.

Theo ông Nam, sau thời gian chống dịch COVID-19 căng thẳng, các cơ sở y tế công lập đối mặt với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc. Năm 2022, tại TP.HCM, 1.523 nhân viên y tế công lập đã nghỉ việc, tăng 177% so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19).

Ông Nam chia sẻ lý do khiến nhân viên y tế công lập nghỉ việc gồm: áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19, đơn vị công tác xa nhà, tập trung thời gian học sau đại học, muốn thay đổi môi trường làm việc, mức thu nhập thấp so với nơi làm việc khác.

Từ năm 2019 đến cuối năm 2022, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận hơn 2.336 nhân viên y tế nghỉ việc. Cụ thể, năm 2019, có 562 người xin nghỉ, chuyển việc; năm 2020 - 574 người, năm 2021 - 614 người; năm 2022 - 586 nhân viên nghỉ việc.

Báo cáo tại phiên họp HĐND TP Hà Nội ngày 7/12/2022, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế, cho biết, nhân viên chuyển việc từ công sang tư xuất hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên trong hai năm qua, số lượng nhân viên y tế chuyển việc từ công sang tư có xu hướng tăng.

Trong số 586 người nghỉ có 195 người trình độ bác sĩ trở lên, còn lại là điều dưỡng, dược sĩ, hộ sinh... Khoảng 20 người (0,04%) từ bỏ hoàn toàn ngành y tế, chuyển sang nghề khác, ví dụ bán hàng online; số còn lại làm việc cho cơ sở y tế tư nhân. Bà Hà đánh giá xu hướng nghỉ việc trong năm 2023 của ngành y tế có xu hướng gia tăng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lương thấp, bác sĩ trẻ nghỉ viện công, chấp nhận đền bù tiền để sang viện tư làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO