Lương không đủ sống, nhiều bác sĩ trẻ đánh liều vay tiền mở phòng khám tư

11/09/2023 15:40

Nhiều bác sĩ lựa chọn đầu tư hàng trăm triệu đồng học nâng cao tay nghề, xin cấp chứng chỉ để mở phòng khám sau nhiều năm làm việc tại viện công vì lương quá thấp.

Xem thêm: Nỗi tủi hổ sau tấm áo blouse trắng, làm bác sĩ nhưng lương không đủ nuôi ba mẹ

Sau khi nhận bằng thạc sĩ và đào tạo chuyên sâu, anh Phạm Anh Tuấn (37 tuổi) - bác sĩ tại một bệnh viện công tỉnh Thanh Hoá đánh liều vay mượn người nhà, bạn bè hơn 500 triệu đồng mở phòng khám tai mũi họng.

Vay nửa tỷ đồng mở phòng khám tư

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Hà Nội, anh Tuấn quyết định về quê lập nghiệp để cống hiến tay nghề, giúp người dân quê. Cũng như các bác sĩ mới vào nghề, anh có 18 tháng đào tạo tại viện với chi phí bỏ ra 2 triệu đồng/ tháng.

Nhiều năm làm việc nhưng lương không đủ sống, nhiều bác sĩ muốn gắn bó với viện công lựa chọn mở thêm phòng khám ngoài. (Ảnh minh hoạ: Bộ Y tế)

Nhiều năm làm việc nhưng lương không đủ sống, nhiều bác sĩ muốn gắn bó với viện công lựa chọn mở thêm phòng khám ngoài. (Ảnh minh hoạ: Bộ Y tế)

Anh Tuấn trở thành bác sĩ chính thức với số lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau 10 năm công tác, thực hiện hàng trăm ca mổ, anh chỉ nhận được mức lương cơ sở hơn 7 triệu đồng/tháng, trong khi anh còn phải nuôi vợ và hai con nhỏ.

Mức lương thấp khiến cuộc sống của anh lao đao, có tháng không đủ chi tiêu phải gửi con về nhờ cậy ông bà trông hộ. “Cuối năm 2021 sau nhiều đắn đo tôi quyết định học lên để có đủ điều kiện mở phòng khám”, anh Tuấn nói.

Nhiều bác sĩ còn bám trụ lại viện công không phải vì đãi ngộ tốt, mà cốt lấy cái danh để thăm khám bên ngoài thêm uy tín.

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn (Thanh Hoá)

Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa, anh đánh cược vay mượn gần nửa tỷ đồng để mở phòng khám và dự tính sau 3 - 4 năm làm việc, khách ở phòng khám ổn định sẽ có thể trả hết nợ, có cuộc sống đủ đầy hơn.

Ở Thanh Hoá không có nhiều viện tư, người dân nghèo chủ yếu đi khám bằng bảo hiểm, ít người chi số tiền lớn để điều trị ở các viện tư. Vì thế, việc bác sĩ bỏ viện công ra viện tư làm không nhiều.

"Từng có bác sĩ làm cùng viện, khi nghỉ việc phải bỏ ra gần 300 triệu đồng đền bù. Vì thế, để cải thiện thu nhập mà không phải lo sợ các khoản đền bù, hầu hết bác sĩ ở khu vực tỉnh lẻ đều chọn cách học nâng cao tay nghề, rồi mở phòng khám để kiếm thêm", anh nói. Nhiều người còn bám trụ lại viện công không phải vì đãi ngộ tốt, mà cốt lấy cái danh để thăm khám bên ngoài thêm uy tín.

"Lương nhân viên y tế không có nhiều thay đổi trong những năm qua, ngược lại công việc lại ngày một nhiều tạo áp lực, vất vả. Việc mở phòng khám tư, hay rời bỏ viện công là không ai mong muốn, bởi xuất phát điểm của bác sĩ đều muốn được cứu người, nhưng ai cũng có gia đình cần lo", anh Tuấn bộc bạch.

So với viện công làm việc vất vả, mở phòng khám mang lại thu nhập cao gấp 4, 5 lần cho nhiều bác sĩ. (Ảnh minh hoạ)

So với viện công làm việc vất vả, mở phòng khám mang lại thu nhập cao gấp 4, 5 lần cho nhiều bác sĩ. (Ảnh minh hoạ)

Mở phòng khám có thực sự nhàn, lương cao?

Bác sĩ Nguyễn Văn Nam (37 tuổi, Hà Nội) không lựa chọn ở lại viện công, quyết định nghỉ hẳn để quản lý phòng khám riêng sau nhiều năm gắn bó với một bệnh viện hạng I.

Anh Nam tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, sau đó học lên thạc sĩ tại Nhật Bản. Bỏ ra cả tỷ đồng để học tập, đào tạo tay nghề, tuy nhiên sau nhiều năm cống hiến mức lương của anh chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Áp lực công việc, những chính sách bất cập trong quản lý nhân sự, cộng với số lương ít ỏi là lý do anh quyết định nghỉ.

"Tôi về viện công làm không phát triển được nhiều mà còn bị ràng buộc, trong khi lương chưa chắc bằng làm ở phòng khám", anh Nam nói thêm về lý do quyết định tự mình làm chủ, mở phòng khám.

Khi quyết định nghỉ việc ở viện công mở phòng khám anh khá đắn đo, vợ lo lắng trước quyết định của chồng khi ở Hà Nội phòng khám tư nhân rất nhiều. Hơn nữa để mở một phòng khám cần nhiều loại chứng chỉ, phải đạt yêu cầu của Bộ Y tế, của thành phố, chưa kể đến chi phí để mở và vận hành phòng khám tại Hà Nội lên tới hàng tỷ đồng.

Xác định việc mở phòng khám không đơn giản, có thể đối mặt với việc lỗ vốn, không có khách, hay bệnh nhân gặp vấn đề khi đến khám, thậm chí phải đóng cửa, nhưng anh Nam vẫn quyết định "đánh cược tay nghề của mình, vì còn phải nuôi gia đình".

Tháng 10/2022, anh mở phòng khám riêng sau nhiều lần nghiên cứu các thủ tục, giấy tờ pháp lý, xin cấp phép hoạt động phòng khám. Nhờ có tay nghề tốt và danh tiếng từ bệnh viện công, anh Nam nhận được lượng lớn số bệnh nhân đến khám, làm việc thoải mái hơn.

Vị bác sĩ chia sẻ khi làm việc tại phòng khám của mình, anh có thể chuyên tâm điều trị các ca bệnh mà không phải quá chú trọng đến các thủ tục giấy tờ như bệnh viện. Bên cạnh đó, thu nhập của anh cũng tăng lên gần 3 - 4 lần so với khi làm tại viện công.

"Hiện nay việc đào tạo ngành y không còn nghiêm ngặt như ngày xưa. Trước đây, vất vả lắm mới thi vào được Đại học Y Hà Nội, còn bây giờ hàng chục trường đào tạo y, thậm chí không có chuyên môn cũng đào tạo ngành y", anh Nam nói và cho biết chính sự nhập nhằng trong đào tạo y bác sĩ, khiến những bác sĩ được đào tạo bài bản, chuyên môn cũng đứng ngang hàng với các bác sĩ được đào tạo ở mấy trường không chuyên.

Tuấn Kiệt

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lương không đủ sống, nhiều bác sĩ trẻ đánh liều vay tiền mở phòng khám tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO