"Người già bó tay, người trẻ mếu máo"
Háo hức nhập các thông tin để đăng kí hộ khẩu thường trú trên cổng dịch vụ công quốc gia, ông Lương Mạnh Hùng (quê Ninh Bình) mới chuyển lên Hà Nội được 3 năm đã bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn.
Sau 5 lần kiên trì điền thông tin, hồ sơ đăng kí thường trú của ông vẫn bị trả lại, các thông tin sai không gói gọn trong một lần hồ sơ bị trả lại mà mỗi lần lại đưa ra một lý do khác nhau. Ông sang nhờ hàng xóm chỉ giúp thì được mách, ra phường nhanh hơn nhiều.
Sau khi được hàng xóm mách nước, ông ra phường 2 lần là xong thủ tục. "Tôi tưởng làm trực tuyến nhanh gọn nhẹ, nhưng hóa ra, làm với con người vẫn nhanh hơn", ông Hùng kể lại.
Không giống như ông Hùng, anh Duy Hải (40 tuổi, trú quận Hà Đông) tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm thủ tục đổi hộ chiếu mới thay cho cái cũ sắp hết hạn. Anh mang tờ khai kèm xác nhận của công an khu vực đến quầy nộp thì được biết, tại đây giờ không sử dụng tờ khai nữa và bắt buộc phải nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công quốc gia ở mức 4.
Anh được hướng dẫn cặn kẽ từng bước làm, nhưng với một người trẻ được tiếp cận công nghệ thông tin hàng ngày mà anh cũng phải loay hoay mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới thao tác xong. Tại thời điểm đó, anh cho biết có rất nhiều cô, chú lớn tuổi "bó tay" sau hàng giờ loay hoay và phải nhờ đến sự giúp đỡ của cán bộ công an tại đây.
"Tôi được hướng dẫn khá cặn kẽ về cách làm nhưng vẫn bị "ngợp", từ bước đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia, theo tôi cách biểu đạt của ứng dụng ở bước đầu tiên gây rối cho người dùng, làm ảnh hưởng tâm lý ở các bước tiếp theo. Đến khi vào được đúng bước khai thông tin cá nhân, đến phần xử lý ảnh cũng gây khó khi yêu cầu người dùng phải tự chụp và chỉnh sửa ảnh theo đúng quy định là 4x6, không phải điện thoại nào cũng dễ dàng làm được điều đó, nhất là với người cao tuổi.
Loay hoay một hồi, khi các thông tin đã đúng thì hệ thống báo "Phiên khai báo hồ sơ đã hết hạn. Vui lòng đăng nhập lại để nộp hồ sơ", vậy là tôi phải làm lại từ đầu với các bước như cũ. Có một bạn gái đến cùng thời điểm với tôi sau một hồi loay hoay không làm được thì bắt đầu mếu máo, và được cán bộ công an đến hỗ trợ nhiệt tình", anh Duy Hải chia sẻ.
Mất điện thoại, quên mật khẩu, tích hợp kiểu gì?
Trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều người cũng gặp cảnh "bế tắc" vì không thể tích hợp các giấy tờ trên app định danh và xác thực điện tử.
"Vừa xác thực được bằng lái xe, vào xuất trình, hiện lên đầy đủ. Sau đó vào xác thực đăng ký xe, quay lại xuất trình giấy tờ lại không hiện giấy phép lái xe, có vẻ như app chưa ổn định", anh L.D chia sẻ.
Cùng trong hoàn cảnh tương tự, anh T.N: "Mình bị từ chối 6 lần rồi nên không muốn làm nữa, chắc phải đợi thêm thời gian để cơ sở hoàn chỉnh đã".
Không giống anh N., T.V bị mất điện thoại, quên luôn cả mật khẩu, giờ không thể lấy lại được mật khẩu ở thiết bị mới, hoang mang không biết tích hợp kiểu gì, anh lên hội nhóm tham khảo và được mách nước: "Ra đội QLHC công an thị xã hoặc huyện nơi bạn cư trú để cập nhật lại thiết bị mới bạn nhé. Hoặc bạn có thể thử dùng điện thoại iphone để thử đặt lại mật khẩu, rồi đăng nhập lại bằng điện thoại của bạn".
Bên cạnh đó anh còn được hướng dẫn: "Nếu mua máy điện thoại mới thì bạn nên mua máy có hỗ trợ NFC. Bật tính năng này lên, vào ứng dụng VNeID, trong ứng dụng VNeID sẽ xuất hiện tính năng này. Bạn chạm vào đó để nhập như ở thiết bị cũ sau đó bạn quét vào con chíp đằng sau thẻ CCCD gắn chíp hệ thống sẽ gửi mã otp. Bạn nhập mã này, sau đó lấy lại mật khẩu sau cũng được", một người tên P. chia sẻ.
Thay vì lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến, nhiều người vẫn "ưu ái" dịch vụ truyền thống bởi tính gần gũi và được hướng dẫn trực tiếp, dễ hiểu. Nhiều người cho rằng, những người tàn tật, người cao tuổi, người không biết chữ, không có điện thoại thông minh, thao tác máy móc kém… đều khó có thể hoàn thành được các bước tích hợp giấy tờ trên ứng dụng dịch vụ công.
Số hóa là tiến trình không thể đảo ngược. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hạ tầng internet, đường truyền phục vụ tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả, kết nối giữa hệ thống cơ sở dữ liệu… nên chăng cần được chuẩn bị tốt hơn để không còn ai bị "từ chối" trên các hệ thống dịch vụ công trực tuyến.