Bộ trưởng Tư pháp nhắc thi hành án 'đặc biệt lưu tâm' vụ Vạn Thịnh Phát

Thế Kha| 01/12/2023 13:41

"Phải đặc biệt lưu tâm, chủ động vào cuộc với những vụ lớn, đặc biệt vụ Vạn Thịnh Phát. Phải chủ động, mường tượng trước được vụ việc, các khối tài sản nằm ở đâu", Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 sáng 1/12, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, tổng số việc phải thi hành năm nay trên 922.300 việc, số có điều kiện thi hành án trên 690.000 việc.

Đến nay, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 575.000 việc, đạt tỉ lệ trên 83%.

Về tiền, tổng số phải thi hành trên 388.509 tỷ đồng và đã thi hành xong trên 89.400 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 46,78% - tăng 1,24% so với năm 2022).

Đối với thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đã thi hành xong 2.264 việc, tương ứng số tiền trên 20.405 tỷ đồng…

Bộ trưởng Tư pháp nhắc thi hành án đặc biệt lưu tâm vụ Vạn Thịnh Phát - 1

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long chỉ đạo hội nghị thi hành án dân sự, sáng 1/12 (Ảnh: Kim Quy).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trường Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, công tác thi hành án dân sự luôn được Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm.

Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp lãnh đạo để trực tiếp nghe, cho ý kiến, xử lý các vấn đề liên quan đến ngành, từ thực hiện chỉ tiêu đến những vụ việc nổi cộm trong hệ thống.

Ghi nhận những kết quả tích cực toàn ngành đạt được trong năm nay khi vượt chỉ tiêu so với 2022, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế khi "án tồn đọng còn nhiều" - được nêu ra ở nhiều diễn đàn khác nhau, đặc biệt ở Quốc hội.

"Vẫn còn khá nhiều vi phạm, đáng tiếc rằng vi phạm lại do chuyên môn, nghiệp vụ như xác minh điều kiện thi hành án, thủ tục ra quyết định thi hành án,… Đó là các thứ lẽ ra các đồng chí phải thuộc nằm lòng thì lại vi phạm, để rồi từ đó sinh ra nhiều hệ lụy từ bị kiểm tra, thanh tra, giám sát đến cả xử lý hình sự. Nhiều vụ việc kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ phải bồi thường", Bộ trưởng Lê Thành Long nêu thực tế.

Năng lực quản lý, điều hành, trình độ chuyên môn của một số lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự cũng bị Bộ trưởng Lê Thành Long nêu ra và đánh giá "chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu".

Người đứng đầu mà năng động, sáng tạo thì dù rất khó khăn vẫn xử lý được. Đáng tiếc, điều này, theo ông Long, không chỉ ở các Chi cục, Cục Thi hành án dân sự địa phương mà xảy ra ngay ở một số đơn vị của Tổng cục Thi hành án dân sự.

Việc chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong hệ thống thi hành án dân sự cũng bị đánh giá "còn thụ động", thực hiện chậm trễ.

Bộ trưởng Tư pháp đặc biệt lưu ý hệ thống thi hành án hoàn thành thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo.

"Phải đặc biệt lưu tâm, chủ động vào cuộc với những vụ lớn, đặc biệt . Phải chủ động, mường tượng trước được các vụ việc, các khối tài sản nằm ở đâu. Nếu có chủ trương về việc xử lý tài sản, vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì càng phải vào cuộc sớm, nếu không toàn bộ gánh nặng dồn hết vào thi hành án dân sự, vốn ở khâu cuối cùng", Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tư pháp nhắc thi hành án đặc biệt lưu tâm vụ Vạn Thịnh Phát - 2

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Ảnh: H.N.).

Về nhiệm vụ năm 2024, ông Long yêu cầu ngành thi hành án tăng cường tự kiểm tra, giám sát trong hệ thống và thực hiện đầy đủ kết luận của các cơ quan kiểm tra, giám sát.

"Từ , chúng tôi đã có chỉ đạo cho Tổng cục Thi hành án dân sự rồi. Những vi phạm, sai sót của anh em ở 1-2 Cục Thi hành án như vậy cần có nhận xét, đánh giá, khái quát lại trong toàn hệ thống, để chủ động cho anh em khắc phục", Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý với toàn ngành thi hành án.

Cũng liên quan đến vụ việc trên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM Nguyễn Văn Hòa thừa nhận những áp lực khi phải thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, bởi đây là vụ án rất lớn

Ông Hòa cho biết, trong 2 năm qua, cơ quan này có tới 194 kết luận kiểm tra, giám sát của các đoàn. "Chúng tôi kiểm điểm, xử lý các kết luận đó rất mất thời gian", ông nói.

Vụ án rất lớn

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, trong khoảng 3 năm (2019-2022) khoảng 108.878 tỷ đồng và hơn 14,757 triệu USD được vận chuyển từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhà của bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch tập đoàn.

Công an cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng những thủ đoạn gian dối để lập phương án rút, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân tiền từ SCB.

Kết luận điều tra cũng chỉ đường đi dòng tiền của 1.284 khoản vay, tương đương 483.917 tỷ đồng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Cụ thể, 57.029 tỷ đồng được trả khoản vay cũ tại SCB; 381.303 tỷ đồng được tổ chức/cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB; 5.275 tỷ đồng được tổ chức/cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB; 81.873 tỷ đồng được rút thành tiền mặt.

Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Số tiền nữ bị can này nhận lên tới 5,2 triệu USD, tương đương khoảng 118 tỷ đồng.

Việc nhận hối lộ nhằm bao che, bưng bít cho sai phạm của SCB và bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

"Với số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD, Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay, tính đến thời điểm hiện tại", Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Tư pháp nhắc thi hành án 'đặc biệt lưu tâm' vụ Vạn Thịnh Phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO