Xử phạt, ngăn chặn "tài xế ma men" trong những ngày Tết

15/01/2023 09:00

Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau và số vi phạm dự báo sẽ gia tăng dịp Tết.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua (từ 31/12/2022 đến 2/1/2023), lực lượng chức năng toàn quốc đã xử lý hơn 4.300 tài xế vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, với số tiền xử phạt lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo số liệu trên thì mỗi ngày lực lượng CSGT xử lý hơn 1.400 trường hợp vi phạm. Đây mới là các "ma men" lái xe bị phát hiện, xử lý, con số thực tế chắc sẽ còn cao hơn nhiều.

Điều đáng nói, số lượng các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (mức tối đa: trên 0,4mg/1 lít khí thở) chiếm khoảng 30% trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý.

Với mức nồng độ cồn trong hơi thở cao hơn 0,4mg/1 lít khí thở, thì tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện sẽ không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông. Vì vậy, hành vi này có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là rất cao.

Tết Quý Mão 2023 đang đến gần, việc nhiều người dân làm "tý cồn" trong các cuộc liên hoan cuối năm và mừng năm mới là điều khó tránh. Chính vì vậy, thời điểm này lực lượng CSGT trên toàn quốc đang phải căng mình thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết, ngăn chặn "tài xế ma men" trên đường.

Ngăn chặn tài xế ma men trong những ngày Tết - 1

Chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua (từ 31/12/2022 đến 2/1/2023), lực lượng chức năng toàn quốc đã xử lý hơn 4.300 tài xế vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, với số tiền xử phạt lên đến hàng chục tỷ đồng. (Ảnh: T.N.).

Nhìn lại những năm qua, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia ước tính 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau.

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang xảy ra khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Sau mỗi vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều để lại nỗi đau, nỗi ám ảnh kinh hoàng, day dứt khôn nguôi. Người mất đi để lại những nỗi đau dai dẳng cho người thân, còn những người bị thương tật không những trở thành gánh nặng cho gia đình mà bản thân họ còn chịu sự đau đớn kéo dài.

Thực tế cho thấy, các chế tài xử phạt đối với "ma men" lái xe hiện nay khá đầy đủ. Mức xử phạt hành chính theo Nghị định 100 đã rất cao so với thu nhập của người dân, cụ thể: Ở mức 3, nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, đối với ô tô sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng, xe máy là từ 6-8 triệu đồng. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã rất kiên quyết và mạnh tay xử phạt đối với vấn nạn nêu trên. Thế nhưng, con số lái xe vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện vẫn còn rất cao và số vi phạm trong dịp Tết Quý mão 2023 sẽ phụ thuộc trước hết vào ý thức cầm lái của mỗi tài xế.

Nghị định 100 ban hành năm 2019, đến thời điểm này, nhiều người dân đã nắm khá đầy đủ các mức phạt về các hành vi vi phạm giao thông nói chung và nồng độ cồn khi lái xe nói riêng. Dù biết rằng nếu bị kiểm tra sẽ bị phạt rất nặng, song không ít người vẫn bất chấp, cố tình lái xe dù bản thân không còn tỉnh táo hoặc vẫn tự tin cho rằng mình vẫn lái xe được khi đã sử dụng rượu bia. Chỉ khi xảy ra hậu quả, họ mới lại than rằng "biết thế", "giá như"…

Cục CSGT cho biết, xác định dịp cuối năm người dân sử dụng rượu bia gia tăng, lực lượng CSGT trên cả nước đã huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, trong đó tập trung cao độ vào hành vi vi phạm nồng độ cồn. Cùng với đó, lực lượng CSGT còn tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông.

Tuy nhiên, việc xử lý các "ma men" lái xe mới chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Mấu chốt để kéo giảm tai nạn giao thông liên quan rượu, bia là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa về tác hại khi sử dụng rượu, bia lái xe, và như đã nói ở trên: Vấn đề quan trọng nhất phụ thuộc vào ý thức của tài xế.

Hình phạt đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, cùng với đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định khi tham gia giao thông của người dân là hai "lực" quan trọng nhất giúp kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, nhất là các tai nạn có nguyên nhân từ rượu, bia.

Tác giả:Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/tam-diem/ngan-chan-tai-xe-ma-men-trong-nhung-ngay-tet-20230114181101521.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/tam-diem/ngan-chan-tai-xe-ma-men-trong-nhung-ngay-tet-20230114181101521.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt, ngăn chặn "tài xế ma men" trong những ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO