Mong manh nghề cá
“Trong hơn 40 năm qua, các nguồn tài nguyên thuỷ sản ở Đông Nam Á được ước tính là đã giảm chỉ còn 25% hoặc ít hơn so với mức trước đây”, tác giả dẫn lời tiến sĩ Raphn Emmers thuộc đại học công nghệ Nanyang (Singapore).
Khi nguồn cá suy giảm, những ngư dân phải đi xa bờ hơn để tìm cá. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn gây nên nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn; mưa bão sẽ đe doạ người đi biển nhiều hơn.
Bên cạnh vấn đề môi trường, thách thức còn nằm ở “mớ bong bóng tranh chấp” đến từ các quốc gia có cùng yêu sách với Biển Đông. Có thể thấy rằng những căng thẳng chính trị dường như đang “quyện chặt” với những sóng gió môi trường: Môi trường cạn kiệt khiến các nước càng muốn tranh chấp ngư trường, chủ quyền. Và sự tranh chấp đó lại càng gây ảnh hưởng tiêu cực ngược lại với môi trường. Như việc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, từ đó phá hủy nghiêm trọng các hệ sinh thái rạn san hô, nơi được xem là “thánh đường của biển”, rất quan trọng với sự sinh sản của cá và môi trường biển nói chung.
Ngoài ra, tranh chấp của các quốc gia cũng khiến các bên không cởi mở chia sẻ dữ liệu về đại dương; gây hạn chế trong việc giám sát, điều tiết hoạt động đánh bắt và quản lý môi trường biển...
Không phải là những bàn luận hùng hồn xa xôi hay những con số thống kê lãnh đạm, “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” sẽ giúp bạn đọc cảm nhận thật rõ rệt mối nguy cấp của sụp đổ nghề cá và những nỗi lo buồn rất riêng mà cũng rất chung của người đi biển.
Người đọc cũng thấy rõ mối nguy đang đến với chính mình, bởi vì một khi môi trường biển bị huỷ hoại và nghề cá sụp đổ, sinh kế của một bộ phận lớn dân số sẽ bị ảnh hưởng, cùng với đó là nguy cơ mất an ninh lương thực đang chực chờ tất cả chúng ta.
Có thể cùng cứu môi trường, sinh kế?
Nếu phần đầu cuốn sách nặng những câu chuyện thực địa tỉ mỉ, sinh động, thì ở hai phần còn lại, tác giả chuyển sang những phân tích vĩ mô nhằm hướng đến giải pháp cho các vấn đề đã nêu.
Ở phần hai tác giả viết chi tiết về nội dung công ước quốc tế, công hàm, biên bản ghi nhớ… của các bên liên quan; cùng với đó là những điều luật của các cơ quan pháp lý quốc tế, lên án những hoạt động đánh bắt cá phi pháp, tận diệt.
Nhưng niềm hy vọng thực sự cho nghề cá và cho hệ sinh thái Biển Đông, theo tác giả, không nằm ở những ràng buộc pháp lý, mà từ những tiếng nói trung lập của các nhà khoa học.
Phần cuối“Ngoại giao khoa học”, tác giả đề xuất ngoại giao khoa học như một giải pháp khả dĩ cho cả thách thức chính trị lẫn môi trường và sinh kế. “Ngoại giao khoa học sẽ là một trong những phương pháp được lựa chọn đầu tiên vì nó có thể mang lại nhiều lợi ích trong khi việc thực hiện lại ít gây tổn hại nhất”, tác giả nhìn nhận.
Theo James Borton, hợp tác khoa học là phương pháp ít nhạy cảm nhất, để các nước có lòng tin vào thiện chí của nhau, qua đó có thể tạo nên “khoảng lặng” bình yên giữa những căng thẳngliên miên. Dù hàm chứa nhiều câu chuyện, nhưng “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” cũng chứa nhiều tia sáng hy vọng về tương lai của đa dạng sinh học và sự bền vững của khu vực.
Cuốn sách là một đóng góp quan trọng cho một vấn đề cấp thiết nhưng vẫn chưa được nghiên cứu đúng mức. “Tôi hy vọng quyển sách này sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về những vấn đề không thể tiếp tục bị phớt lờ, đó là bảo tồn đa dạng sinh học biển và tính bền vững của nghề cá”, James Borton cho hay.
Nguyên Thảo
Về tác giả:
James Borton là nhà nghiên cứu độc lập về chính sách môi trường và là cựu phóng viên thường trực nước ngoài của tờ The Washington Times. Ông đã đưa tin về Đông Nam Á suốt nhiều thập niên và thường xuyên đóng góp bài cho các trang tin như Asia Sentinel, Asia Times, The South China Morning Post…
Bên cạnh đó, ông còn là nghiên cứu viên không thường trực tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), đồng thời nhà đồng sáng lập của Diễn đàn Môi trường Mekong (do Đại học Cần Thơ bảo trợ).