Vụ thủ khoa trượt nguyện vọng 1: Do lỗi... lắt léo tuyển sinh?

29/08/2023 13:04

Đặt giả thuyết, hơn 1 triệu thí sinh cả nước đều xét tuyển vào ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội bằng điểm thi THPT, chưa tới 30 thí sinh có thể trúng tuyển.

Xem thêm: Tréo ngoe đỗ - trượt đại học

Vụ thủ khoa trượt nguyện vọng 1: Do lỗi... lắt léo tuyển sinh? - 1

Trong đề án tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội chưa phân định rõ ràng về chỉ tiêu theo từng phương thức khiến thí sinh như "mò kim đáy bể" (Ảnh: NT).

Từ câu chuyện "Thủ khoa trượt nguyện vọng 1" đã phần nào cho thấy những mặt bất hợp lý trong cách thức tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST).

Mặc dù đa số các ý kiến của độc giả đồng tình với việc các trường tự chủ tuyển sinh để có được những thí sinh phù hợp với tiêu chí của trường nhất, song, dư luận cho rằng, không phải vì thế mà có thể mập mờ chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển, tước đi cơ hội trúng tuyển của những thí sinh tài năng.

Chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cực thấp

Từ những lý giải của về trường hợp 2 thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính (IT1) có thể thấy rõ nguyên nhân chủ yếu do chỉ tiêu của phương thức này quá ít, khiến điểm chuẩn tăng cao.

Theo đề án tuyển sinh, năm 2023, trường tuyển 7.985 sinh viên. Số chỉ tiêu này phân bổ tỷ lệ theo phương thức xét tuyển tài năng 15-20%; phương thức xét tuyển theo điểm thi (tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy) 85-90%.

Trong đó, ngành khoa học máy tính thông báo tuyển 300 sinh viên với cả 3 phương thức trên. Tuy nhiên, đơn vị này không công bố chi tiết sẽ tuyển bao nhiêu chỉ tiêu cho mỗi phương thức. Việc công bố này chưa theo đúng mẫu quy định của Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành.

Vì không biết chỉ tiêu nên nhiều thí sinh, phụ huynh như "mò kim đáy bể", đành nhắm mắt chọn một phương thức để "đặt cược" số phận.

Vụ thủ khoa trượt nguyện vọng 1: Do lỗi... lắt léo tuyển sinh? - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: Mạnh Quân).

Kết quả công bố điểm chuẩn xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 29,42 điểm - mức điểm khiến hai thủ khoa khối A00 toàn quốc trượt nguyện vọng 1.

Dư luận đặt câu hỏi, đơn vị này tuyển bao nhiêu thí sinh bằng phương thức xét điểm thi THPT mà đến thủ khoa cũng trượt?

Áp dụng cách tính điểm chuẩn theo công thức mà Đại học Bách khoa đưa ra [Điểm chuẩn = (toán x 2 + môn 2 + môn 3) x 3/4 + điểm ưu tiên], phóng viên Dân trí đã đối soát điểm thi của hơn 1 triệu thí sinh cả nước và nhận lại kết quả bất ngờ.

Theo đó, nếu không tính điểm ưu tiên, cả nước chỉ có 4 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT đủ khả năng trúng tuyển vào ngành học này. Trong đó, có 3 thí sinh khối A00 (toán, lý, hóa) và 1 thí sinh khối A01 (toán, lý, tiếng Anh).

Ngay cả khi tính điểm ưu tiên cho toàn bộ thí sinh ở khối A00 ở mức cao nhất là KV1 (0,75 điểm), kết quả vẫn chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển.

Và dù với cách tính điểm nào, 2 thủ khoa Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng vẫn nằm trong top 10 thí sinh điểm cao nhất ở khối A00.

Ở khối A01, nếu tính điểm ưu tiên cho toàn bộ thí sinh ở mức KV2-NT (0,5 điểm) và điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh ở mức cao nhất là 10 điểm, kết quả có 15 thí sinh trúng tuyển.

Nếu tính điểm ưu tiên cho toàn bộ thí sinh ở mức tuyệt đối là KV1 và điểm quy đổi tiếng Anh ở mức tối đa là 10 điểm, kết quả có 24 thí sinh trúng tuyển.

Như vậy, ở cả hai tổ hợp A00 và A01, dù cho tất cả thí sinh đều được cộng điểm ưu tiên tối đa và quy đổi chứng chỉ điểm tiếng Anh ở mức cao nhất, cũng chỉ có từ 18-27 thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội (chiếm tỷ lệ 6-9% tổng chỉ tiêu vào ngành).

Đấy là con số lý tưởng, còn trên thực tế, không phải thí sinh nào cũng được cộng điểm ưu tiên, điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh ở mức cao nhất, đạt tổng điểm từ 29,42 điểm trở lên.

Và cũng rất khó có chuyện tất cả thí sinh điểm cao nhất của khối A00 và A01 trên cả nước đều đặt nguyện vọng vào ngành IT1 của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Từ đó, có thể nhận thấy, số chỉ tiêu mà Đại học Bách khoa Hà Nội dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngành khoa học máy tính cực kỳ hạn chế.

Thế nhưng, đại học này lại không công bố rõ ràng chỉ tiêu, không tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT đã khiến cho những thí sinh chọn phương án thi tốt nghiệp THPT chịu nhiều thiệt thòi. Bởi, nếu biết HUST chỉ dành số chỉ tiêu cực kỳ ít ỏi như vậy thì các em đã có những sự tính toán hợp lý.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - nhấn mạnh: "Việc trường không công bố chỉ tiêu chi tiết từng phương thức, từng tổ hợp xét tuyển hoặc công bố nhưng không thực hiện đúng là làm hại thí sinh. Nhiều thí sinh điểm cao nhưng lại trượt vì trường đã gọi trúng tuyển sớm bằng các hình thức khác quá nhiều khiến điểm chuẩn đẩy lên rất cao", ông Dũng cho hay.

Vụ thủ khoa trượt nguyện vọng 1: Do lỗi... lắt léo tuyển sinh? - 3

Đại học Bách khoa Hà Nội công bố chỉ tiêu không theo mẫu quy định của Bộ GD&ĐT (Ảnh: H.N).

Thủ khoa tư duy "bị loại từ vòng gửi xe", nhà vô địch "không có cửa"

Trong câu chuyện tranh luận về điểm số, không ít ý kiến được gửi tới Dân trí bày tỏ về chất lượng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cho rằng kỳ thi này có tính phân loại kém, đồng thời đánh giá cao hơn những thí sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và có điểm đánh giá tư duy cao.

Dẫu biết, mọi so sánh đều khập khiễng bởi điểm số ở một phương thức tuyển sinh không quyết định được về tư duy, tố chất, trí thức của một người nhưng phóng viên Dân trí cũng điểm lại thành tích thi của một số thủ khoa ở phương thức khác sẽ giúp rộng đường dư luận.

Thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là N.X.D.T (Hà Nội). Thí sinh này đạt 96,49/100 điểm đánh giá tư duy nhưng có điểm thi THPT khối A00 là 28,6 và A01 là 27,9.

Như vậy, nếu N.X.D.T đăng ký xét tuyển vào ngành IT1 của HUST bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì đã "bị loại từ vòng gửi xe".

Một trường hợp khác là Đ.L.N.V. - nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia cũng dự thi năm nay. Thí sinh này đạt điểm cao nhất ở tổ hợp A01 là toán 9,4; vật lý 9,75 và tiếng Anh 9,8.

Như vậy, nhà vô địch cũng "không có cửa" lọt vào danh sách thí sinh trúng tuyển nêu trên.

Mặt khác, một số ý kiến đánh giá 9,6 điểm môn toán của hai thủ khoa khối A00 là thấp và không thể hiện được tư duy năng lực. Thế nhưng Quán quân Đường lên đỉnh Olympia hay thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa năm 2023 đều chỉ đạt 9,4 điểm môn toán, thấp hơn hai thủ khoa trượt đại học 0,2 điểm ở môn chính này.

Chưa kể, theo công bố, trong hơn 1 triệu sĩ tử cả nước, chỉ có 12 thí sinh đạt điểm 10 môn toán. Trong đó, không có thí sinh trường chuyên nào đạt điểm tuyệt đối môn này. Điều này phần nào cho thấy, để đạt điểm 10 ở đề thi tốt nghiệp THPT không phải dễ dàng.

Mặt khác, thống kê trên củng cố quan điểm của nhiều người rằng để đạt mức điểm thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể là học sinh không xuất sắc.

Đại học Bách khoa Hà Nội từ chối trả lời

Sở dĩ phóng viên Dân trí phân tích số liệu như trên mà chưa có được con số cụ thể là do đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội từ chối chia sẻ về các vấn đề liên quan đến sự việc này.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết vì có rất nhiều việc nên phóng viên cần đợi tổng kết mùa tuyển sinh rồi xem dữ liệu của Bộ GD&ĐT sau.

Khi được hỏi vì sao chuyện tuyển sinh của trường lại đợi kết quả của Bộ, ông Điền từ chối trả lời và tắt máy.

Vấn đề không rõ ràng trong phân bổ chỉ tiêu xét tuyển đại học có thể sẽ khiến nhiều thí sinh "trượt oan". Câu chuyện tại Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là chuyện riêng của ngôi trường này, của hai thủ khoa khối A00 mà là quyền lợi của tất cả thí sinh.

Các em có quyền được biết và nhà trường có trách nhiệm công khai các thông tin này trong đề án tuyển sinh trước đợt tuyển sinh đầu tiên ít nhất 30 ngày. Điều này Quy chế đã nêu rõ.

Với cách xét tuyển này, nếu không được giải quyết dứt điểm, năm sau có thể sẽ lại có thêm những thủ khoa, á khoa, những học sinh có chất lượng hàng đầu trượt nguyện vọng yêu thích một cách bất công.

Bộ GD&ĐT quy định trường phải có trách nhiệm giải trình

Khoản 4, Điều 6, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT quy định đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển:

a) Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý; không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.

b) Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm.

Đáng chú ý, tại Khoản 5 quy định, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh.

Điều 11 trong Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy quy định về đề án tuyển sinh

1. Cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Đề án tuyển sinh phải chứa đầy đủ thông tin làm căn cứ để:

a) Thí sinh lựa chọn trường, ngành, chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện cá nhân; chuẩn bị các điều kiện tham gia dự tuyển và thực hiện các bước theo kế hoạch tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

b) Cơ quan quản lý nhà nước và xã hội giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật và các cam kết đối với người học của cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh và đào tạo.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ thủ khoa trượt nguyện vọng 1: Do lỗi... lắt léo tuyển sinh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO