Vốn ngoại vào Việt Nam tăng mạnh

05/10/2024 09:48

Việt Nam kỳ vọng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn...

Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến ngày 30-9, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện trên 17,3 tỉ USD, tăng 8,9%.

Nhiều điểm sáng

Riêng trong tháng 9 vừa qua, tổng vốn FDI đạt mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, với gần 4,26 tỉ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng.

Tính chung trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 15,64 tỉ USD, chiếm gần 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 4,38 tỉ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn FDI vào Việt Nam trong 9 tháng qua. Dẫn đầu danh sách là Singapore với tổng vốn đầu tư hơn 7,35 tỉ USD. Trung Quốc đứng thứ 2 với hơn 3,2 tỉ USD.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… như Bắc Ninh, TP HCM, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 80,1% số dự án mới và 72,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 9 tháng.

Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong 9 tháng qua, với hơn 4,5 tỉ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,47 lần cùng kỳ. Trong đó, dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam (Khu Công nghiệp Yên Phong II-C) có mức vốn điều chỉnh tăng thêm hơn 1,07 tỉ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 1,6 tỉ USD.

Là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước 9 tháng qua về thu hút FDI, với tổng số vốn hơn 1,8 tỉ USD, năm 2024 này Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 3 tỉ USD dòng vốn ngoại. Một số dự án FDI tiêu biểu được cấp mới gồm: Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Khu Công nghiệp Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà), tổng mức đầu tư 275 triệu USD; dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu Công nghiệp Amata Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), tổng mức đầu tư 57 triệu USD…

Với bức tranh FDI 9 tháng qua, Việt Nam kỳ vọng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn. Để tiếp tục thu hút đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao.

Đồ họa: CHI PHAN
Đồ họa: CHI PHAN

Cam kết của các địa phương

Với những kết quả được công bố, nhiều địa phương - trong đó có 10 tỉnh, thành nằm trong tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất - cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, nhấn mạnh tỉnh cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch, tiếp nhận, lắng nghe và xử lý các khó khăn, vướng mắc qua mọi kênh thông tin để đồng hành với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất về tiếp cận thông tin quy hoạch, mặt bằng, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, cơ hội tham gia các cơ hội kinh doanh, dự án đầu tư tại Bắc Ninh.

Từ kết quả tích cực của 9 tháng qua, Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các nhà đầu tư.

Nằm trong tốp 10, 3 địa phương vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đưa ra nhiều thông điệp tích cực cho nhà đầu tư nước ngoài.

Với tỉnh Đồng Nai, 9 tháng qua, nguồn vốn FDI rót vào tỉnh đạt khoảng 1,089 tỉ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Để nâng cao chất và lượng các dự án FDI trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh xác định thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Trên cơ sở đó, các dự án đầu tư vào Đồng Nai phải là những dự án có hàm lượng cao về công nghệ, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao. "Tỉnh chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: Công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin để làm tăng giá trị gia tăng trên 1 ha đất sử dụng, trên 1 công nhân lao động và trên 1 đồng vốn bỏ vào đầu tư" - ông Nguyên nhấn mạnh.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 9 tháng năm 2024, đã thu hút được khoảng 1,9 tỉ USD vốn FDI, đạt hơn 95% kế hoạch thu hút vốn của năm 2024 và tăng gấp 3,35 lần so với cùng kỳ năm 2023, với 48 dự án cấp mới và điều chỉnh tăng thêm. Có được kết quả như trên, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp, tỉnh còn tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với hàng loạt dự án liên vùng. Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin nhằm tiếp tục thu hút các dự án trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cũng cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Trong 9 tháng qua, Bình Dương thu hút vốn FDI hơn 2 tỉ USD. Bài học thành công và cũng là thông điệp của địa phương này đưa ra là quyết liệt triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư; tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu công nghiệp kiểu mới, khu công nghiệp xanh…

TP HCM: Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực ưu tiên

TP HCM đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đăng ký FDI trong 9 tháng qua, với hơn 1,91 tỉ USD (chiếm 7,7%); dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 41,1%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 70,5%). Hiện thành phố có 125 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư với hơn 13.000 dự án, tổng vốn đầu tư gần 90 tỉ USD. Phát biểu tại hội nghị khu vực thường niên năm 2024 với chủ đề "ASEAN - Giao điểm hội nhập kinh tế thế giới" do Tập đoàn UOB tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố luôn sẵn sàng hợp tác và tạo những điều kiện để các đối tác triển khai kinh doanh thành công.

Hiện TP HCM đang thừa hưởng một cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn mức mặt bằng thể chế của cả nước, là điều kiện thuận lợi để có thể tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên. "TP HCM có cơ chế đặc thù trong xây dựng đường vành đai, các tuyến cao tốc đồng bộ, hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ, liên kết với vùng ĐBSCL nhằm mở rộng không gian kinh tế và tạo lợi thế về vị trí địa lý, chiến lược về hạ tầng kinh tế, logistics... Thành phố sẵn sàng chào đón, đồng hành và hợp tác để cùng tạo ra giá trị, hài hòa lợi ích" - ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Th.Phương

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vốn ngoại vào Việt Nam tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO