Thị trường tiềm năng, độ phủ còn khiêm tốn
Với gần 100 triệu dân Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của thẻ tín dụng (TTD) nội địa. TTD vừa là phương tiện thanh toán tiện lợi, vừa là công cụ tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng của ngân hàng.
Cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường TTD nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển.
Đến hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành TTD nội địa. Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến tháng 3/2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ (tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023), với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế; trong đó có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.
Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường TTD, sản phẩm TTD nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì TTD quốc tế: ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của NHNN và tiêu chuẩn quốc tế EMV có tính an toàn, bảo mật cao, hạn chế rủi ro, gian lận, giả mạo cho chủ thẻ; Thủ tục mở thẻ dễ dàng, chi phí phát hành và thanh toán thấp; Sản phẩm TTD nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc.
Tuy nhiên, dù nhiều tiềm năng và tiện ích nhưng độ phủ của TTD tại Việt Nam còn thấp. Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, cho biết chỉ mới hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu TTD, trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan là 10%, Malaysia là 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%...
Vì sao người tiêu dùng còn e dè?
Các chuyên gia tài chính cho rằng hạn chế trong dân trí tài chính dẫn đến hiệu ứng tâm lý đám đông là tác nhân chính tạo ra việc hủy thẻ hàng loạt sau sự cố không đáng có, cũng như giải thích cho mức độ tiếp cận thẻ tín dụng còn quá thấp của thị trường Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh thành nhỏ, vùng sâu và ở phân khúc lao động phổ thông, công nhân.
Ví dụ sinh động là tác động từ vụ khoản nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm bỗng chốc biến thành nghĩa vụ thanh toán lên đến 8,8 tỉ đồng mới đây đã dẫn đến “trào lưu” kiểm kê và hủy hàng loạt thẻ tín dụng và kéo theo nhiều ngân hàng khác bị vạ lây trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS - cho biết: Độ phủ TTD của Việt Nam còn khá khiêm tốn, giải pháp thúc đẩy gồm: phổ cập tài chính cá nhân - quản lý chi tiêu, phổ cập kiến thức tài chính bên cạnh các hoạt động thúc đẩy sử dụng thẻ; hiểu đúng và đủ chức năng của TTD; minh bạch các điều khoản sử dụng thẻ…
Nhìn nhận ở góc độ nghiên cứu, PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Khoa Tài chính - Ngân hàng, trường ĐH Đại Nam cho rằng: mặc dù đem lại nhiều thuận tiện hơn so với hình thức chi tiêu tiền mặt, người dân vẫn còn tâm lý dè chừng khi sử dụng sản phẩm TTD. Đầu tiên, thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn thiên về hình thức chi tiêu bằng tiền mặt, đặc biệt là các vùng ngoại ô, tỉnh, nơi công nghệ chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với đời sống nhân dân.
Tâm lý của việc sợ tăng gánh nặng tài chính khi có nợ, hoặc chi tiêu mất kiểm soát do có thêm tiền TTD khiến không còn khả năng trả nợ cũng là một trong các lý do khiến giới trẻ hiện nay e dè sử dụng sản phẩm này”
Một yếu tố khác khiến TTD chưa có độ phủ rộng là khó cạnh tranh với TTD quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ tổ chức thẻ quốc tế. Thêm vào đó, thói quen của người tiêu dùng có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.