Truyền thống Mật Tông xây dựng trên sự truyền khẩu quyết giữa thầy và trò. Các khẩu quyết này được giữ hết sức bí mật, nhưng “bí mật” ở đây không thể hiểu như một sự giấu giếm, không muốn cho ai biết. Sở dĩ có sự bí mật vì khẩu quyết đó chỉ có thầy, vốn biết rõ căn cơ, trình độ của học trò nên mới có thể chỉ dạy một phương pháp thích hợp nhất, riêng cho học trò đó mà thôi.
Khẩu quyết này có thể tạm ví như một “Thiền Tông Công Án”, chìa khóa giúp người đó tỉnh ngộ, nhưng chỉ một người thôi chứ không thể áp dụng cho hàng loạt. Nhờ chuyên tâm tu hành khẩu quyết này mà học trò có thể phá vỡ tà kiến, vén màn vô minh để nhìn thẳng vào Sự Thật. Do đó, tu theo Mật Tông phải có thầy chứ không thể nghiên cứu vài cuốn sách hay học thuộc lòng vài câu chú như nhiều người thường nghĩ. Đã thế, vị thầy hướng dẫn còn phải là người kinh nghiệm, có những ấn chứng mới hướng dẫn học trò một cách tốt đẹp, hiệu quả được.
Có hai sự nguy hiểm lớn trong việc tu theo Mật Tông. Vì sự truyền dạy không dựa trên sách vở, lý thuyết nên người học không biết đâu là đúng, là sai; vì thiếu các chỉ điểm nên rất dễ đi vào con đường Tà Đạo.
Vì phải dựa vào một vị thầy nên sự lựa chọn bậc chân tu đạo hạnh, có kinh nghiệm hành trì Mật Tông là rất khó. Nếu gặp người thiếu kinh nghiệm thì cả thầy lẫn trò đều dễ lạc vào những cảnh giới huyền hoặc và vô cùng nguy hiểm của vô minh.
Ngoài ra, vì tính “bí mật” không thể giải thích nên đã có nhiều ngộ nhận, lầm lẫn của những người nghiên cứu Mật Tông theo sách vở. Nhiều người đã hiểu lầm những Biểu Tượng, Mật Nghĩa rồi theo đó giải thích, tạo ra nhiều ngộ nhận vô cùng đáng tiếc - như Mật Tông là một kỹ thuật giao hoan, hưởng lạc, khai mở luồng hỏa hầu, tu dưỡng chân khí, thái Âm bổ Dương v.v... Đây chỉ là sự phóng chiếu các tư tưởng bệnh hoạn của những đầu óc ích kỷ, thiếu hiểu biết.
Ngôn ngữ không thể diễn tả được Chân Lý, có những điều chỉ có thể cảm được, ngộ được nhưng không thể diễn tả được nên các Tổ đã sử dụng những Biểu Tượng để tượng trưng cho điều các ngài muốn nói, những Mật Nghĩa để người đời sau phải suy nghĩ, phải sống, phải trải nghiệm thì mới hiểu được. Nhiều người đã dựa vào những Biểu Tượng, Mật Nghĩa này để giảng giải Mật Tông một cách hoàn toàn sai lạc - chẳng hạn như đây là con đường tắt, nhanh chóng để đạt đến kết quả.
Làm sao một người sống trụy lạc, Thân - Khẩu - Ý hoàn toàn bất tịnh chỉ cần đọc vài câu chú đã có thể giác ngộ, nhập Niết Bàn được? Giả sử như nếu có một câu mật chú mang lại kết quả như thế thì tại sao người truyền dạy nó chưa nhập Niết Bàn ngay mà còn mang ra rao bán bừa bãi để đổi lấy những số tiền “cúng thầy, cúng tổ” hay những danh vọng hão huyền mà người đời tôn cho họ?
Người ta không thể tìm một giải pháp cấp tốc, trong một thời gian thật ngắn mà đạt được kết quả tối đa. Tất cả những gì thiếu mục đích chân chính, chỉ nhằm đạt đến kết quả thì sẽ không bao giờ thành tựu được, không những mình đã làm người khác lầm lẫn mà còn đánh lừa chính mình nữa.
Kim Cương Thừa có tính bí mật vì nó là một phương pháp tuyệt đối, dành cho các bậc tu hành hết sức cao chứ không phải để mang ra truyền dạy bừa bãi. Đa số mọi người chỉ thích nhắm vào kết quả mà không chịu hành động, họ muốn học cách nào nhanh nhất, lẹ nhất và ít tốn công nhọc sức nhất, cũng ví như người muốn lên lầu nhưng không muốn leo cầu thang mà đòi dùng thang máy. Không những họ lười biếng, thiếu kiên nhẫn mà còn tham lam. Với thái độ như vậy, không bao giờ họ có thể đi vào con đường này. Có lẽ vì biết thái độ của đa số chúng sinh đều như thế nên các vị Tổ Mật Tông đã gìn giữ giáo lý này trong vòng bí mật, những bộ kinh của Kim Cương Thừa ít được truyền bá rộng rãi.
Hoa sen trên tuyết l Nguyên Phong.